Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi xuất khẩu (XK) sang các thị trường có FTA của ngành dệt may hiện khoảng 58%. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho hay, tỷ lệ này đồng đều giữa các FTA. Đơn cử, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt khá, khoảng 60 - 70%, chủ yếu là C/O xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đạt tỷ lệ thấp, chỉ 20 - 30%.
Ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho rằng, tỷ lệ C/O còn khiêm tốn và DN dệt may chưa tận dụng triệt để lợi ích các FTA mang lại. Nguyên nhân là do trở ngại lớn về nguồn gốc xuất xứ. Đơn hàng của DN hiện chủ yếu là may gia công, nguồn vải nhập khẩu, việc đáp ứng nhu cầu về xuất xứ từ sợi, vải trở đi khá khó khăn. Cho dù, các FTA có một số ngoại lệ cho phép không cần theo quy tắc về xuất xứ vẫn được hưởng ưu đãi thuế nhưng khả năng khai thác hạn chế bởi các loại sợi, vải trong danh sách linh hoạt xuất xứ khá đặc biệt, ít dùng...
Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA là một trong những giải pháp để ngành dệt may đạt mục tiêu 39 tỷ USD kim ngạch XK năm 2021. |
Để được hưởng ưu đãi về thuế, DN XK cần đảm bảo các yêu cầu về tuân thủ, như nghĩa vụ chứng minh xuất xứ, khai báo DN, lưu trữ hồ sơ, chứng từ rất nghiêm ngặt. Một nguyên nhân nữa là áp lực cạnh tranh từ khối DN FDI. Từ năm 2015 tới nay, ngành dệt may thu hút khoảng 100 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Đây là khoản vốn đầu tư cao kỷ lục, gây áp lực cho DN nội, tăng nguy cơ DN Việt thua trên chính sân nhà.
Về vĩ mô, các quốc gia cạnh tranh XK dệt may với Việt Nam như Trung Quốc, Ấn độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia… đưa ra những động thái hỗ trợ cụ thể cho DN để tạo lợi thế cạnh tranh. Đơn cử, Ấn Độ có các quỹ hỗ trợ XK, quỹ giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu máy móc, giảm thuế DN; Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ để thúc đẩy XK…
Đầu tư chuỗi cung ứng
Chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu là yếu tố giúp dệt may Việt Nam tận dụng bền vững ưu đãi từ các FTA |
Có thể thấy, việc tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA đã có hiệu lực của dệt may Việt Nam chưa cao. Ông Phạm Xuân Hồng bày tỏ, đáp ứng quy tắc xuất xứ là yêu cầu tiên quyết để ngành dệt may hưởng ưu đãi bền vững từ các FTA - động lực tăng trưởng bền vững cho ngành. Do vậy, DN dệt may cần được hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp theo chuỗi khép kín; có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, môi trường riêng cho ngành dệt; bỏ thuế VAT khi mua nguyên phụ liệu trong nước; giảm chi phí logistics.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần phát triển công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, đáp ứng nhu cầu về nguyên phụ liệu để gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng hóa XK. Trước mắt, cần thu hút và cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, nhất là dự án có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải bảo đảm thân thiện môi trường.
Được biết, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, thời gian qua ngành dệt may trong nước đã chủ động gắn kết giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với DN dệt may để cân bằng cung - cầu; tìm hiểu nhu cầu khách hàng để tìm kiếm chủng loại nguyên phụ liệu phù hợp trong nước. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã và đang xin chủ trương từ đơn vị chủ quản để đầu tư thêm vào lĩnh vực nguyên phụ liệu đầu vào (sợi, dệt) tạo nguồn nguyên phụ liệu chủ động cho DN.