Đón làn sóng đầu tư mới từ châu Âu
Tính lũy kế đến năm 2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam với trên 2.240 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Nếu như hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần DN Việt Nam tập trung ở nhóm các nhà đầu tư các nước của khu vực châu Á thì từ đầu năm 2020 đến nay, hình thức này có chiều hướng tăng cả ở Mỹ và châu Âu. Cụ thể, trong 4 tháng/2020, nhà đầu tư Pháp có đến 78 lượt giao dịch với tổng vốn là gần 27 triệu USD. Hay Vương quốc Anh có đến 32 lượt giao dịch qua hình thức đầu tư này với tổng vốn đăng ký là 38,56 triệu USD, tăng 14 lượt giao dịch so với cùng kỳ. Hà Lan dù có 15 lượt góp vốn, mua cổ phần DN trong nước nhưng có số vốn góp lên đến khoảng 46 triệu USD...
Các nhà đầu tư châu Âu với thế nguồn vốn và công nghệ hiện đại |
Tính đến nay, EU đã đầu tư vào 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân và có mặt tại 54 tỉnh, thành trên cả nước. Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp, Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển)...
Trước đây, xu thế đầu tư của EU chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ như bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau EVFTA vốn đầu tư gián tiếp cũng sẽ rót mạnh vào lĩnh vực ngân hàng. Bởi trong nội dung EVFTA, các tổ chức tín dụng từ EU có cơ hội sở hữu tới 49% cổ phần tại ngân hàng thương mại Việt Nam (tối đa 2 ngân hàng, ngoại trừ 4 ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước chi phối). Vì thế khả năng thông qua các quỹ đầu tư, sẽ có thêm dòng tiền từ các tập đoàn tài chính nước ngoài đổ vào cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đầu tư của EU vào Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Trong khối các nước thành viên EU chưa có một nước nào đứng trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, cho dù nhiều nước trong khối như Pháp, Đức đầu tư ra nước ngoài rất nhiều. Vì thế việc kỳ vọng EVIPA được thực thi sẽ mang theo một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tâm thế sẵn sàng đón dòng đầu tư
Theo tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các nhà đầu tư châu Âu là những nhà đầu tư có tiềm lực vốn, sở hữu công nghệ cao, nhân lực chất lượng. Do đó, việc thực thi EVIPA khẳng định niềm tin lớn của các nhà đầu tư EU vào môi trường đầu tư Việt Nam. Đón bắt cơ hội và làn sóng đầu tư này từ phía các Bộ, ngành, cộng đồng phải có sự chuẩn bị, tâm thế sẵn sàng đón nhận cơ hội cũng như thách thức. Cụ thể, từ trong nước phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính nhanh hơn, hiệu quả hơn để từ đó có thể tiếp cận các dòng đầu tư thuận lợi nhất. Những nỗ lực cải cách thể chế sẽ tạo nên nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các DN nước ngoài với DN trong nước.
Đến nay, Bộ Công Thương cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát chính sách về thu hút FDI nhằm có các biện pháp cụ thể để sớm ban hành chính sách sàng lọc nguồn vốn FDI, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo dựng liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng giữa DN trong nước và DN FDI. Ngoài ra, cần tăng cường phổ biến về các nội dung của Hiệp định EVIPA và những việc cần làm để thực thi Hiệp định, nhất là cho các đối tượng bị tác động, để có thể nắm bắt kịp thời các yêu cầu, dự báo nhu cầu thị trường để có những giải pháp phù hợp. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện để đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của Hiệp định.