Mở cửa Phòng trưng bày 65 năm truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” Lực lượng quản lý thị trường tăng cường chống hàng lậu, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử |
Phòng Trưng bày truyền thống với chủ đề “Dấu ấn Quản lý thị trường” đã chính thức được mở cửa. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm truyền thống thống lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957 - 3/7/2022). Sự kiện do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức từ 01/7 đến hết 6/7/2022.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh giới thiệu với khách tham quan các tư liệu, hiện vật trong Phòng Trưng bày truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” |
Chia sẻ tại Phòng trưng bày, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, bất cứ một đơn vị có bề dày thời gian xây dựng và phát triển nào cũng đều cần có một không gian để bảo lưu, gìn giữ những giá trị hoạt động của mình trong quá khứ, từ đó tạo động lực cho sự phát triển ở thì tương lai.
Đặc biệt, đối với Quản lý thị trường - lực lượng chuyên trách, chủ công trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì việc có một không gian truyền thống để lưu giữ tiến trình hoạt động của lực lượng là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Các tài liệu Tập huấn Quản lý thị trường có từ những năm 1980 được trưng bày. Đây là cơ sở pháp lý, là công cụ giúp lực lượng Quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ |
Tổng Cục trưởng cũng cho biết, lực lượng Quản lý thị trường đảm nhận nhiều trọng trách lớn như: Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, bán hàng đa cấp... trên cả thị trường truyền thống và trên Internet. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu, ưu tiên của lực lượng là chống gian lận thương mại trong thị trường nội địa, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên, định kỳ mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả để các doanh nghiệp, người tiêu dùng chia sẻ thông tin về những sản phẩm của đơn vị đang bị làm giả, nhái trên thị trường giúp người tiêu dùng nhận biết và nâng cao kỹ năng trong lựa chọn sản phẩm.
Phòng Trưng bày truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm truyền thống lực lượng Quản lý thị trường (3/7/1957-3/7/2022) |
“Ở đây có rất nhiều những hiện vật quý. Mỗi hiện vật đều ghi lại dấu ấn cho chặng đường phát triển, trong đó có sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước đến lực lượng Quản lý thị trường. Phòng Trưng bày giới thiệu những mẫu trang phục đã gắn liền với hoạt động của lực lượng, những hiện vật, tang vật mà chúng tôi thu giữ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát những vụ việc thực sự điển hình. Hay kỷ vật về tấm thẻ Kiểm tra thị trường của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân...” - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin.
Thẻ Kiểm soát viên thị trường qua các thời kỳ được trưng bày trang trọng ngay gian chính của Phòng Trưng bày, trong đó có thẻ Kiểm tra thị trường của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân những năm 1990 |
Đặc biệt, Tổng Cục trưởng nhấn mạnh, 2022 là năm quan trọng, ghi dấu ấn của toàn lực lượng khi bước sang tuổi 65 với khí thế mới, tâm thế mới và nhiều trọng trách mới, do vậy, việc xây dựng, mở cửa Phòng trưng bày truyền thống một lần nữa khẳng định sự tri ân của thế hệ Quản lý thị trường hôm nay đối với các thế hệ đi trước với sự cống hiến cùng những kỷ vật, tư liệu quý giá.
Bước vào không gian trưng bày tuy nhỏ nhắn nhưng trang trọng, lịch sự và ấm áp, ấn tượng đầu tiên chính là loạt thẻ Kiểm soát viên thị trường qua các thời kỳ đặt ngay ngắn, trang trọng ngay gian chính của Phòng trưng bày.
Phía bên phải là những hình ảnh thể hiện quá trình hình thành phát triển, sứ mạng, tầm nhìn, các Quyết định nâng cấp, thành lập của lực lượng, và những hình ảnh thể hiện sự đổi mới, bứt phá của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác truyền thông, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Phía bên trái là khu trưng bày với chủ đề “Dấu ấn lịch sử”, trưng bày các danh hiệu cao quý do Đảng, Chính phủ, Nhà nước ghi nhận, trao tặng cho lực lượng Quản lý thị trường; là những tư liệu quý về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng ở những năm cuối của thế kỷ XX.
Khu trưng bày những hình ảnh thể hiện quá trình hình thành phát triển của lực lượng, các Quyết định nâng cấp, thành lập và những hình ảnh thể hiện sự đổi mới, bứt phá của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác truyền thông, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát |
Khu trưng bày với chủ đề “Dấu ấn lịch sử”, trưng bày các danh hiệu cao quý do Đảng, Chính phủ, Nhà nước ghi nhận, trao tặng cho lực lượng Quản lý thị trường; là những tư liệu quý về hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng ở những năm cuối của thế kỷ XX |
Phòng Trưng bày truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” được chia làm 2 chủ đề chính, bao gồm “Dấu ấn lịch sử - nơi trưng bày hiện vật, tư liệu - những nhân chứng của thời gian” và “Dấu ấn Quản lý thị trường - nơi trưng bày những vụ việc, những hoạt động nổi bật, điển hình của lực lượng đã làm được trong thời gian gần đây”.
Tất cả những hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày theo nhóm nội dung, được sắp xếp theo mô tuýp liên kết xâu chuỗi (quá khứ - hiện tại) nhằm tạo ra hiệu quả cảm nhận cho người xem một cách logic, khoa học, dễ hiểu.
Điểm nhấn của Phòng Truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” là khu trưng bày các vụ việc nổi bật, điển hình mà toàn lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, kiểm tra trong thời gian gần đây |
Ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến không gian trưng bày những vụ việc, những hoạt động nổi bật, điển hình của lực lượng trong thời gian qua. Tại đây, ngoài hình ảnh, nội dung mô tả vụ việc còn tang vật vi phạm đi kèm, điển hình như: vụ việc triệt phá kho mỹ phẩm giả quy mô lớn của Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên hồi tháng 1/2022; vụ việc thu giữ trên 17.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M 1860; hay như vụ tổng tấn công xưởng gia công, hô biến thuốc trừ cỏ Trung Quốc thành hàng Việt Nam...
Bà Vũ Thị Minh Ngọc - quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, điều quý giá nhất ở Phòng trưng bày là những cuốn tài liệu tập huấn Quản lý thị trường của những năm 1980 đổ về trước; là những chiếc thẻ Quản lý thị trường từ thời còn ở Ban Quản lý thị trường Trung ương, trong đó, điểm nhấn là thẻ Kiểm soát viên thị trường của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân những năm 1990. Ngoài ra, Phòng Trưng bày còn giới thiệu những mẫu trang phục cũ - mới của lực lượng; các bộ mũ qua từng giai đoạn; sự thay đổi của Hệ thống xử lý vi phạm hành chính, chuyển đổi từ bản giấy lên điện tử...
“Đây là những tư liệu cực kỳ quý hiếm với toàn lực lượng Quản lý thị trường. Những tư liệu, hiện vật này tạo động lực cho sự phát triển của lực lượng ở thì tương lai. Ngẫm về lịch sử, về quá khứ, chúng tôi - những người Quản lý thị trường hôm nay luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm làm việc của lớp tiền bối, hướng tới xây dựng một đội ngũ Quản lý thị trường chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bà Vũ Thị Minh Ngọc chia sẻ.
Hướng đến kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng Quản lý thị trường, Phòng Trưng bày, truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” càng thể hiện được vai trò, ý nghĩa thiết thực trong suốt quá trình hình thành và phát triển của toàn lực lượng Quản lý thị trường.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng chia sẻ, do hạn chế về không gian trưng bày và thời gian thực hiện nên đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Thời gian tới đây, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm nhiều tư liệu, hiện vật để Phòng Trưng bày “Dấu ấn Quản lý thị trường” của những năm về sau có nhiều dấu ấn hơn nữa, thực sự trở thành Phòng truyền thống có tầm vóc, quy mô, tương xứng với sự đóng góp của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phòng Trưng bày truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” được mở cửa từ ngày 01 đến ngày 6/7/2022 tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Phòng Trưng bày truyền thống “Dấu ấn Quản lý thị trường” không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử mà còn là nơi để các doanh nghiệp, người tiêu dùng chia sẻ thông tin nhận diện hàng thật - hàng giả, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả của cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.