Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú - tại Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam”, do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Hiệp hội Tín dụng nông nghiệp nông thôn châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức ngày 5/9, tại Hà Nội.
Tín dụng ưu đãi dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam |
Phát triển một thị trường tài chính nông thôn được xem là rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Tài chính nông nghiệp nông thôn là cung cấp các sản phẩm tài chính bao gồm tiết kiệm hoặc gửi tiền, thanh toán và chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm; trong đó hoạt động tín dụng phải giữ vai trò nòng cốt để tạo nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất chú trọng đến việc phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng nông thôn phát triển, nâng cao năng lực của các định chế tài chính, nhất là các định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kêu gọi các nguồn vốn nước ngoài cho vay trong lĩnh vực này...
Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức rất cao trên 58% (năm 1993) đã giảm xuống còn 6,7% (năm 2017) đã cho thấy vai trò quan trọng của tài chính nông thôn và nông nghiệp dành cho người nghèo trong phát triển kinh tế.
Ngành ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách thuận tiện để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cụ thể: Đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 189.105 tỷ đồng; Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 181.768 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, trong đó tỷ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 94% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH đã góp phần giúp trên 31,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động...
Theo ông Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký Hiệp hội Các tổ chức tín dụng châu Á - Thái Bình Dương, phương pháp tiếp cận độc đáo của NHCSXH tới người dân đã giúp Việt Nam có một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới với 6,7 triệu khách hàng; Chi phí cung cấp tín dụng thấp, việc thu nợ và xử lý nợ xấu của khách hàng được thực hiện thông qua duy trì họp hàng tháng của trên 180.000 tổ tín dụng tiết kiệm. "Bên cạnh NHCSXH, còn phải kể đến “cách thức Việt Nam” của Chính phủ theo đuổi một cách kiên định và thống nhất chương trình xóa đói giảm nghèo, đây là lý do chính của một trong những thành tựu xóa đói giảm nghèo nhanh nhất khu vực” - ông Prasun Kumar Das khẳng định.