Tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm hữu dụng |
Một phần rác thải thu gom ở các tỉnh miền Bắc được sử dụng để tái chế thành viên đốt RPF - nhiên liệu tạo ra lượng nhiệt tương đương than đá. Giải pháp này góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác và mang lại nguồn chất đốt thay thế than đá.
Việc dùng rác sản xuất viên đốt RPF (nhiên liệu từ nhựa và giấy thải) được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nhằm thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch như than đá, than cốc bởi chúng rẻ hơn rất nhiều và thân thiện với môi trường. Bà Yuri Takano - Trưởng đại diện Công ty Xử lý rác IKE (Nhật Bản) tại Hà Nội - cho biết: Công nghệ này phổ biến tại Nhật Bản hơn 30 năm nay. Tất cả các loại rác thải như nhựa, giấy, gỗ đều có thể bán và tái chế để sử dụng luôn. Những thành phần không được phân loại triệt để, khó tái chế sẽ được dùng làm viên đốt và đây là công nghệ xử lý rác đơn giản nhất.
Chất thải rắn được vận chuyển đưa vào lò đốt |
Tại Việt Nam, công nghệ này đã được Công ty TNHH Giải pháp môi trường Đại Đồng (Hưng Yên) - liên doanh giữa URENCO 11 thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) với IKE - để thử nghiệm và đưa vào vận hành trong nhiều năm qua, góp một phần không nhỏ vào công cuộc giảm thiểu ảnh hưởng của rác thải nhựa lên môi trường tại Việt Nam. Công ty đã dành 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn cũng như khả thi về mặt kinh tế của sản phẩm. Năm 2016, công ty chính thức đưa RPF vào sử dụng tại nhiều nhà máy để thay thế một phần các nhiên liệu đốt truyền thống.
Đặc biệt, so với đốt than đá, sử dụng RPF làm nhiên liệu giúp giảm phát thải ½ lượng khí CO2, 90-100% khí SO2 và hơn 95% lượng tro xỉ sau đốt. Như vậy, viên đốt RPF đã góp phần đưa rác thải nhựa trở lại vào vòng tuần hoàn, trở thành một loại nhiên liệu đốt thân thiện với môi trường, không còn kết thúc vòng đời của nó tại các bãi chôn lấp, hay các lò đốt rác vốn đang bị quá tải nữa.
Theo đại diện URENCO 11, trước kia, Urenco 11 chủ yếu xử lý rác thải bằng cách chôn lấp hoặc đốt, gây tốn diện tích đất, trong khi những thành phần như nhựa sẽ không phân hủy, còn các thành phần phân hủy được sẽ sản sinh ra khí metal gây ô nhiễm. Việc tái chế rác thành viên đốt RPF giúp tận dụng nguồn tài nguyên lãng phí đó. Nguồn đầu vào để sản xuất viên đốt RPF chủ yếu là nhựa PP và PE, giấy, gỗ vụn từ các khách hàng của Urenco 11 trên toàn miền Bắc. Chúng được phân loại, làm sạch, nghiền nhỏ rồi cho vào máy nén thành viên. Từ 1 tấn rác sẽ thu được 1 tấn nhiên liệu đốt. Sản phẩm được dùng trong các lò hơi, thay thế than, trấu, củi… Viên đốt RPF có thể tạo ra lượng nhiệt lớn hơn 20-30% so với than đá.
Mặc dù sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc tiêu thụ RPF là giá. Việc vận hành quy trình sản xuất loại nhiên liệu tái chế này đòi hỏi nhiều nhân công hơn các phương pháp xử lý rác khác. Nguyên nhân do rác ở Việt Nam chưa được tái chế; ngoài công nhân vận hành máy, còn cần 4 - 5 công nhân để phân loại rác.
Ngoài vấn đề chi phí, Urenco 11 cũng gặp khó với lượng điện năng tiêu thụ, việc sản xuất 1kg RPF tiêu tốn khoảng 300 đồng tiền điện. Chính điều này làm mất ưu thế cạnh tranh về giá của viên đốt so với các nguồn nhiên liệu truyền thống. Giá là thử thách lớn nhất khi thuyết phục khách hàng dùng sản phẩm này. “Nếu RPF có giá bán cao hơn so với nguồn nhiên liệu họ đang sử dụng, họ sẽ không chấp nhận” - đại diện URENCO 11 chia sẻ.
Hiện, viên đốt RPF đang được dùng thử nghiệm tại một số doanh nghiệp; có hai công ty thay thế dần các nhiên liệu vẫn sử dụng là Công ty Cám CJ Vina Agri, Hưng Yên và Công ty Giấy Hải Dương. |