Thanh khoản bình quân giảm mạnh
Nửa đầu năm 2017, chỉ số VN-Index liên tục tăng lên các mức đỉnh mới: 1 năm, 2 năm, vượt mức 780 điểm, thiết lập đỉnh 9 năm trở lại đây. Diễn biến này đã khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán được sống trong bầu không khí hưng phấn, từ đó kích thích thanh khoản tăng mạnh.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), giá trị giao dịch bình quân trên sàn niêm yết (HOSE và HNX) từ mức 2.100 tỷ đồng trong tháng 1/2017 đã vượt mốc 3.000 tỷ đồng trong tháng 3/2017 và đạt đỉnh hơn 5.500 tỷ đồng vào tháng 5/2017, gấp đôi bình quân hơn 2.500 tỷ đồng/phiên của năm 2016.
Bên cạnh dòng tiền mạnh đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, khi khối ngoại mua ròng 9.043 tỷ đồng trên sàn niêm yết và 1.252 tỷ đồng cổ phiếu đăng ký giao dịch (UPCoM) trong 6 tháng đầu năm, cao nhất nhiều năm trở lại đây, dòng tiền nội địa cũng đóng vai trò quan trọng trong sự gia tăng thanh khoản.
Tuy nhiên, từ tháng 6/2017, thanh khoản ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. Tính bình quân tháng 6, giá trị giao dịch chỉ đạt 4.785 tỷ đồng/phiên, giảm 13,97% so với bình quân tháng 5 và tính đến hết phiên 14/7, thanh khoản bình quân nửa đầu tháng 7 tiếp tục giảm 4,79% so với tháng trước đó.
Thông thường, biến động khối lượng, giá trị giao dịch thường là tín hiệu cảnh báo sớm hơn so với biến động giá về thay đổi trong xu hướng thị trường. Sự sụt giảm về khối lượng cùng giá trị giao dịch thời gian qua đã khiến nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư lo ngại rằng, dòng tiền trên thị trường đang có dấu hiệu “đuối sức” sau thời gian dài luân chuyển sôi động, nhất là trong bối cảnh sức ép do margin cao ngày càng đè nặng.
Lo ngại áp lực margin
Tại Hội thảo “Công cụ phái sinh và Bối cảnh thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2017” mới đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, tình trạng margin đang ở mức cao là một trong 3 nhân tố rủi ro của thị trường, có thể gây nên nhịp điều chỉnh mạnh trong quý III/2017. Không riêng SSI, trước đó, thị trường cũng ghi nhận hàng loạt chia sẻ về tình hình margin đang ở mức cao so với lịch sử từ chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán (CTCK).
Những dấu hiệu về tình trạng “căng cứng” margin có thể kể đến như việc một số CTCK liên tục phải phát hành trái phiếu để có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay margin, hay thông tin các CTCK sắp chạm đến giới hạn cho vay margin theo quy định và phải nâng tỷ lệ ký quỹ lên mức cao hơn (hạ tỷ lệ cho vay với mã cổ phiếu) để hạn chế nhà đầu tư sử dụng quá mức dòng tiền vay. Chưa kể, trên sàn giao dịch, cứ sau thông tin lan truyền về việc “hạ margin” tại một số CTCK lớn là diễn biến “xả hàng” mạnh trong thời gian giao dịch cuối phiên với lệnh bán lớn. Điều này dễ khiến nhà đầu tư liên tưởng đến câu câu chuyện “xả margin” tại các CTCK và nghi ngại tình trạng margin cao gây sức ép lên thị trường của nhà đầu tư là có cơ sở.
Để có được số liệu cụ thể về tình hình dư nợ margin tại các CTCK 6 tháng đầu năm, trước mắt, thị trường sẽ phải chờ qua thời điểm 30/7, là hạn chót để các CTCK công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản thị trường bình quân ở mức trên dưới 3.000 tỷ đồng/phiên như trong quý II/2017 mà tổng dư nợ cho vay tại nhiều CTCK đã tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng 3 - 5 năm trở lại đây thì với diễn biến thanh khoản vượt mức 4.000 - 5.000 tỷ đồng trong tháng 4 và tháng 5, các nhận định chung đều cho rằng, dư nợ vay tại các CTCK đã tăng thêm khá nhiều.
Hiện nay, theo Quyết định 87/QĐ-UBCK quy định về cho vay ký quỹ có hiệu lực từ tháng 1/2017, các CTCK có thể cung cấp mức cho vay bằng 200% nguồn vốn chủ sở hữu.
Với vốn chủ sở hữu của 13 CTCK lớn trên thị trường (bao gồm SSI, HCM, VND, VCSC, MBS…) là 26.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay có thể lên tới 53.000 tỷ đồng, cao hơn 2,5 lần so với tổng dư nợ margin quý I của nhóm công ty này và cũng có nghĩa, không gian còn lại của hoạt động cho vay trên vốn chủ sở hữu còn lớn.
Mặc dù vậy, trên thực tế, việc cho vay của các CTCK còn chịu nhiều giới hạn khác như tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu,
Tổng dư nợ cho vay đối với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của CTCK và không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, nguồn vốn của CTCK còn phải đáp ứng cho các hoạt động khác như môi giới, tự doanh…, nên khi margin tăng mạnh thời gian ngắn, tình trạng cạn nguồn rất dễ xảy ra.
Trong bối cảnh thị trường đang có nhiều tín hiệu rủi ro như hiện nay, việc thận trọng trong việc sử dụng margin, vốn luôn là “con dao 2 lưỡi”, có lẽ là điều nhà đầu tư cần cân nhắc để bảo vệ những thành quả có được suốt từ đầu năm.