Quy định về suất vốn đầu tư với công trình y tế còn bất cập
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 2/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - đoàn TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với nhiều nội dung đã được nêu trong các Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch năm 2024.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - đoàn TP. Hà Nội phát biểu |
Tham gia ý kiến về một số vấn đề trong lĩnh vực y tế, đại biểu đoàn TP. Hà Nội cho rằng, quy định về suất vốn đầu tư với công trình y tế còn bất cập.
Theo đại biểu, nhằm phục vụ cho việc xác định tổng mức đầu tư xây dựng, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 510 về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, bao gồm các công trình y tế.
Suất vốn đầu tư xây dựng công trình tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình chuẩn bị dự án. "Tuy nhiên, đối với lĩnh vực y tế, Quyết định 510 chỉ quy định suất vốn đầu tư cho các công trình bệnh viện đa khoa từ 50-1.000 giường bệnh và công trình bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với 1.000 giường bệnh" - đại biểu chỉ ra.
Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay đang sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, thành phố với quy mô dưới 1.000 giường (ở Hà Nội đang thực hiện Dự án Bệnh viện Thận - Tiết niệu và Bệnh viện Nhi Hà Nội...), quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do: Không có hướng dẫn về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (Quyết định 510 không quy định loại hình cơ sở này).
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh vào Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.
Cần gỡ vướng trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng nêu các vướng mắc trong xác định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng đối với việc xây dựng mới cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Hiện nay, Hà Nội đã dành 19 nghìn tỷ để đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2021- 2025, trong đó ưu tiên hoàn thành sớm một số bệnh viện đa khoa lớn. Tuy nhiên, một trong vướng mắc trong quá trình triển khai các Dự án là việc xác định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng khi xây dựng mới các bệnh viện.
Theo quy định tại Thông tư 08 của Bộ Y tế, hồ sơ phê duyệt tiêu chuẩn định mức trang thiết bị y tế chuyên dụng yêu cầu phải có cơ cấu tổ chức cụ thể, kê khai nhân lực, văn bản phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, nhu cầu sử dụng từng loại trang thiết bị trong 03 năm tiếp theo, đây là yêu cầu dành cho các cơ sở y tế đang hoạt động.
Đối với những bệnh viện đang trong quá trình lập dự án, triển khai xây dựng mới thì những nội dung theo yêu cầu của Thông tư 08 chỉ là dự kiến, vì vậy không thể đủ cơ sở theo quy định của Thông tư để xác định tiểu chuẩn định mức máy móc, trang thiết bị y tế để thực hiện lập hồ sơ, đề xuất chủ trương xây dựng bệnh viện mới.
Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi Thông tư 08 để hướng dẫn cụ thể việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng làm cơ sở lập hồ sở, đề xuất chủ trương, triển khai mua sắm tại các dự án đầu tư công xây dựng mới các Bệnh viện.
Nêu các vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, bà Hà cho hay, tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 07 sửa đổi bổ sung Nghị định 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế, đồng thời để tháo gỡ khó khăn trong bảo đảm thuốc và trang thiết bị y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30.
Đến ngày 30/6, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. "Tuy nhiên, Thông tư 14 được xem như giải pháp có tính tình thế, tạm thời vì hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài 6 tháng, đến 31/12/2023" - bà Hà nói.
Trên thực tế, việc mua sắm trang thiết bị y tế từ giai đoạn lựa chọn danh mục đến phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng có thể kéo dài từ 3 cho đến 8 tháng phụ thuộc vào danh mục trang thiết bị y tế. Có thể thấy, thời gian có hiệu lực của Thông tư 14 quá ngắn đối với việc triển khai mua sắm trang thiết bị y tế ở các dự án đầu tư công.
Vướng mắc cũng nằm ở thời điểm 1/1/2024 khi Luật Đấu thầu số 22 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực. Trường hợp, đến ngày 1/1/2024 các dự án đầu tư xây dựng mới các bệnh viện có các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã tổ chức họp Hội đồng lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và kỹ thuật cơ bản, tham khảo giá thiết bị y tế theo quy định tại Thông tư 14, nhưng các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu số 22 chưa ban hành kịp, thì các dự dự án triển khai sẽ rất vướng mắc và cũng tốn kém chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư trước đó.
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị, Chính phủ quan tâm tới quy định chuyển tiếp liên quan đến đầu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đảm bảo việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không bị chậm trễ, không phải chờ các văn bản hướng dẫn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả giải ngân đầu tư công.
Để tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn, đại biểu cho rằng cần ban hành các văn bản có tính căn cơ để giải quyết vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế.