Hộp thư bạn đọc ngày 28/10: Dấu hiệu sai phạm tại công Khu công nghiệp Trung Hà |
Hiện nay, thị trường sữa bột, sữa non đang có dấu hiệu bị thả nổi chất lượng khiến dư luận đặt ra dấu hỏi về công tác quản lý dòng sản phẩm này.
Trên thị trường xuất hiện nhan nhản các loại sữa non, sữa bột hay sữa chuyên dụng cho các đối tượng mắc đủ các loại bệnh từ xương khớp đến tiểu đường.
Theo tìm hiểu, các sản phẩm này chỉ là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng và được doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, các dòng sữa này được doanh nghiệp tự công bố tại các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong khi đó, vai trò quản lý của các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đối với những sản phẩm này lại rất mờ nhạt. Có phải chăng vì lẽ đó mà “chất lượng” các loại sữa bột đang có dấu hiệu bị “thả nổi”.
Được biết, sữa Dure do một Công ty TNHH trên địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phân phối là một ví dụ.
Trên website của công ty quảng cáo bán sản phẩm Sữa non tiểu đường và sữa non xương khớp lại xuất hiện một doanh nghiệp khác phân phối. Phóng viên đã liên hệ đến số hotline để xác nhận. Nhân viên tư vấn này cho rằng: "Sản phẩm mà hai công ty đang bán đều là của bên em. Một công ty chịu trách nhiệm sản phẩm và một công ty phân phối".
Thông tin trên website ccatvstp.hanoi.gov.vn của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, sản phẩm chỉ là thực phẩm bổ sung được Công ty công bố và một sản phẩm khác chỉ là sản phẩm dinh dưỡng.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, 2 dòng sản phẩm này đã được thổi phồng chất lượng như một loại sữa chuyên dụng cho người bị bệnh tiểu đường và bệnh xương khớp.
Website được xây dựng như "ma trận" để đăng tải những bài viết về kiến thức tiểu đường, cách chữa bệnh tiểu đường. Sau đó là những chỉ dẫn "dụ dỗ" khách hàng mua sản phẩm. Cụ thể, bài viết "Tiểu đường tuýp 1 là gì? Cách điều trị bệnh hiệu quả" chia sẻ những thông tin về bệnh tiểu đường, sau đó cuối bài treo quảng cáo về sản phẩm, điều này dễ dàng khiến khách hàng hiểu nhầm dùng tiểu đường có thể chữa được bệnh Tiểu đường tuyp 1?
Thậm chí,m, website còn quảng cáo rằng, Sữa Dure là thương hiệu sữa non chuyên biệt cho người tiểu đường được săn đón nhiều nhất trong thời gian gần đây.
Trên website này, giá của Sữa non tiểu đường (hộp sắt 850gram) có giá 890.000 đồng/hộp, Sữa non xương khớp (hộp sắt 850gram) cũng có giá 890.000 đồng/hộp. Theo giới thiệu 01 hộp có thể sử dụng được 3-4 tuần. Có nghĩa là để sử dụng sản phẩm này, bệnh nhân sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn. Thậm chí, nếu sử dụng liên tục thì chi phí sẽ cực kỳ tốn kém.
Điều đáng nói, hàng loạt các nghệ sĩ nổi tiếng như MC Cát Tường, nghệ sĩ Quyền Linh, vợ chồng MC Trấn Thành... cũng quảng cáo rầm rộ cho các sản phẩm sữa.
Trong clip quảng cáo, họ thổi công dụng sản phẩm: Uống ngay sữa chỉ sau 10 ngày sẽ thuyên giảm, hết đau xương khớp, hết tê bì chân tay, đi lại dễ dàng, trái gió trở trời không còn đau đớn, không lo loãng xương, không bị thoái hóa, hay các biến chứng của bệnh xương khớp…
Bên cạnh đó, MC Cát Tường là nhân vật nhiều lần livestream thổi phồng công dụng để bán Sữa. MC Cát Tường cho rằng, khi khách hàng sử dụng Sữa non thì không lo tiểu nhiều, tiểu đêm, không lo đường huyết cao chót vót, những biến chứng rất là ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm như cắt chân, suy thận, đột quỵ; không lo uống nhiều thuốc tây; không lo đường huyết lên xuống thất thường.
Hơn nữa, MC Cát Tường còn khẳng định uống Sữa non thì đảm bảo sau 10 ngày dứt điểm tiểu nhiều, tiểu đêm. "Ai mà đang uống thuốc tây, thậm chí tiêm insulin 5-10 năm rồi đường huyết cũng giảm dần về 5-6 phẩy". Thậm chí nghệ sĩ này còn quảng cáo giảm giá tới 40% có dấu hiệu trái quy định về khuyến mại?
Theo tìm hiểu, trên mạng xã hội còn quảng cáo sản phẩm sữa non tiểu đường số 1 tại Việt Nam. Việc quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hành vi bị cấm vì trái với Quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL.
Bên cạnh đó, trên một số website còn sử dụng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo quảng cáo cho sản phẩm. Cụ thể, quảng cáo dẫn lời của Bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên Phó trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đánh giá về sản phẩm, chứa đầy đủ những kháng thể, dưỡng chất cần thiết, từ đó trở thành một giải pháp dinh dưỡng toàn diện của người bệnh tiểu đường.” Bác sĩ Nguyễn Chí Bình, Viện Lão Khoa Trung ương: “Hiện nay có nhiều loại sữa tiểu đường, tuy nhiên chúng ta nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được nhà nước cấp phép. Chúng ta cũng nên chú ý đến thành phần của sữa, đặc biệt là lượng đường như nào, có phù hợp với người tiểu đường không. Hơn nữa, những người đã sử dụng nói gì về kết quả của họ sau một thời gian sử dụng. Tôi thấy đáp ứng được các tiêu chí trên.”
Bên cạnh đó, đơn vị bán hàng còn sử dụng một clip chương trình Tiêu dùng 24h có logo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) để quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm Sữa non. Dư luận đặt ra dấu hỏi, liệu rằng việc sử dụng logo của VTV để quảng cáo sản phẩm Sữa non đã được sự chấp thuận của VTV hay chưa?
Những quảng cáo về các loại Sữa non như trên dễ khiến bệnh nhân tiểu tường, bệnh nhân xương khớp lầm tưởng đó là thuốc chữa bệnh mà “sập bẫy” của đơn vị bán hàng. Nếu trong trường hợp doanh nghiệp tự công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm sản phẩm thì các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, hậu kiểm như thế nào? Đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm, thậm chí những sai phạm đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng?
Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo đang có dấu hiệu thả nổi. Đơn vị bán hàng tự ý thổi phồng thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối khách hàng và coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng?
Thiết nghĩ, để làm rõ chất lượng sản phẩm của một số loại Sữa non bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan quản lý vào cuộc điều tra làm rõ, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).