Doanh nghiệp bán lẻ vẫn kiến nghị “nóng” vấn đề chiết khấu và được lấy hàng từ nhiều nguồn
Phát biểu tại toạ đàm, ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TP Hồ Chí Minh) mong muốn có quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ. Đồng thời được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn và giảm bớt thủ tục hành chính cho phù hợp cơ chế thị trường để doanh nghiệp bán lẻ ổn định, yên tâm phát triển, đưa xăng dầu tới người tiêu dùng.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc - Trà Vinh chia sẻ, theo thông tư 104 của Bộ Tài chính thì chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này có ghi rõ là bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nhưng vì không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia 1.350 đồng này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu để làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt.
Theo ông Tây, muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Cùng đó quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi để đảm bảo nguồn hàng và có thù lao tăng thêm từ cạnh tranh.
Các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị vấn đề chiết khấu và được lấy hàng từ nhiều nguồn |
Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) cho hay, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau còn bán lẻ thì hạn chế duy nhất có một nguồn. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không?
“Trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuỗi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng 0 đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuổi cung ứng đến người tiêu dùng. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có đưa vào chi phí cố định cho bán lẻ trong cơ cấu giá thành không?”, ông Thật nêu ý kiến.
Ông Văn Công Thật cũng đề xuất chuỗi cung ứng chỉ quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Cùng đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuỗi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.
Có nên bỏ khâu thương nhân phân phối?
Trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95, có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ bớt khâu thương nhân phân phối trong chuỗi cung ứng xăng dầy vì gây đội chi phí. Trao đổi về vấn đề này, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai cho rằng, đang có hiểu lầm về thương nhân phân phối là trung gian. Cũng có ý kiến thương nhân phân phối không có, không có vốn, không có hệ thống. Nhưng để cấp 1 giấy phép thương nhân phân phối, phải hội tụ đủ các yếu tố theo quy định. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Vai trò thương nhân phân phối trong hệ thống là rất quan trọng.
Ông Văn Tấn Phụng cũng cho rằng, thương nhân phân phối không phải là nơi điều tiết chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Chiết khấu là do đầu mối quyết định.
Về vấn đề sửa Nghị định, ông Văn Tấn Phụng cho rằng, thời gian tới, phải làm sao sửa để nghị định đi vào cuộc sống. Đây là bài học lớn trong lịch sử kinh doanh xăng dầu. Cần sửa triệt để, không thì để như hiện nay. Cần để thị trường tự vận hành, sau đó sửa thành Luật dầu khí. Luật phải thị trường hoá, cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hoà lợi ích. Ngoài ra cần sửa các quy định bất cập như các loại “giấy phép con” như: môi trường, tràn dầu. Đặc biệt, việc điều hành giá cần trở lại 15 ngày, để doanh nghiệp đủ thời gian tính toán.
Những vấn đề quan hệ dân sự thì không nên đưa vào quy định
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đại diện cho Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định cho rằng, với 8 ý kiến của 3 khâu trong chuỗi xăng dầu và 5 vấn đề được chủ toạ nêu, mỗi ý kiến đều có lập luận, góc nhìn khác nhau. Hiện có những vấn đề đồng thuận, không đồng thuận và ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành.
Về vấn đề chiết khấu, theo ông Đông, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin, Ban soạn thảo đang hướng tới thể chế quản lý xăng dầu thực sự khoa học và phù hợp |
“Nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào? Kiểm soát CPI ra sao? Như vậy có công bằng không trong nền kinh tế. Chúng ta phải xem xét thấu đáo các vấn đề. Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000 đồng/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng?”, ông Đông nói.
Vấn đề doanh nghiệp có được nhập bán lẻ từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng, Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy không ổn chiết khấu có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác thấy chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thủ tục sang tên, đổi tên giấy chứng nhận phân phối xăng dầu đòi hỏi Sở Công Thương cần có thời gian thì cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Quan điểm của chúng tôi là những gì luật đã quy định rồi, liên quan đến quan hệ dân sự giữa các doanh nghiệp thì chúng ta không nên đưa vào quy định” – ông Đông nói.
Ban soạn thảo đang hướng tới thể chế quản lý xăng dầu thực sự khoa học và phù hợp
Vấn đề thứ ba là chi phí lợi nhuận định mức, để tính đúng tính đủ, tính kịp thời, ông Đông khẳng định rằng, Bộ Tài chính thời gian qua đã rất nỗ lực phối hợp với Bộ Công Thương cố gắng tính toán để mức này sát với diễn biễn của thị trường trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, thời gian qua, tần suất biến động về giá rất nhanh, mạnh và liên tục nên cũng cần thông cảm cho các cơ quan quản lý không thể theo kịp biến động của thị trường.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Đông chia sẻ, hiện vẫn có nhiều quan điểm trái chiều, song nếu vẫn muốn có công cụ can thiệp trong ngắn hạn thì quỹ vẫn là công cụ cần thiết. Từ trước đến nay, Quỹ vẫn hoạt động công khai, minh bạch, đảm bảo việc bình ổn giá trong ngắn hạn để giá xăng dầu không tăng hoặc giảm sốc. Trong bối cảnh giá xăng dầu trong rổ hàng hoá tính CPI rất cao thì quỹ là cần thiết.
Trước đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung có sự so sánh giữa xăng dầu với gạo. Song ông Đông cho rằng, không thể so sánh xăng dầu với gạo được, vì gạo có cách sản xuất, hệ thống phân phối, tiêu dùng hoàn toàn khác nên ảnh hưởng đến CPI hoàn toàn khác. Thậm chí xăng dầu có những yếu tố độc quyền tự nhiên mà không thể so sánh với gạo được.
“Do đó, chúng tôi khẳng định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do doanh nghiệp nắm giữ và được sử dụng hoàn toàn công khai minh bạch. Thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát và hoàn thiện cơ sở pháp lý để việc sử dụng quỹ hiệu quả, đúng mục đích” – ông Đông cho hay.
Đối với những vấn đề được đưa ra tại toạ đàm là đầu mối nhập khẩu không nhập hàng và găm hàng, ông Đông cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khi kinh doanh thua lỗ, bán ra khó khăn thì khâu nào cũng muốn hạn chế bán hàng, chứ không riêng gì doanh nghiệp đầu mối. Cho nên, cơ quan soạn thảo cho rằng phải xử lý căn cơ như thế nào theo biến động thị trường để nhanh hơn, mạnh hơn và chi phí, lợi nhuận cuối cùng doanh nghiệp tự quyết được thì mới có thể xử lý được phần nào khó khăn này.
Đối với ý kiến của doanh nghiệp cho rằng phải sửa Nghị định theo hướng căn cơ, lâu dài, ông Đông khẳng định đồng thuận. “Trong Ban soạn thảo có nêu và quan điểm cá nhân của tôi là tất cả các vấn đề đưa ra sửa đổi đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, sửa Nghị định thì phải sửa căn cơ, lâu dài, hướng tới thị trường nhiều hơn, tôn trọng các điều kiện khách quan thị trường, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu… sẽ giảm khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi nguồn lực của Nhà nước không thể chạy theo được những diễn biến quá nhanh của thị trường” – ông Đông khẳng định.
Về các kiến nghị cho rằng cần ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu, ông Đông khẳng định, đây là vấn đề an ninh năng lượng nên tín dụng phải được ưu tiên cho tất cả các khâu trong chuỗi phân phối xăng dầu.
Đối với kiến nghị Nhà nước phân chia chiết khấu cho các khâu, ông Đông cho rằng, vấn đề này nếu quy định tức nhà nhà nước sẽ đi quá sâu vào hoạt động và quan hệ dân sự của từng doanh nghiệp. Còn giải pháp triệt để để tránh chiết khấu 0 đồng thì yếu tố gì là khách quan, biến động hàng ngày thì trả về nhiều hơn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tự chủ hoạt động của mình nhiều hơn, tự khắc câu chuyện chiết khấu sẽ được xử lý.
Riêng vấn đề dự trữ, hiện quy định trong Nghị định đã rõ ràng trách nhiệm của mỗi khâu như thế nào. Mục đích dự trữ là khi hàng thiếu, khi có vấn đề xảy ra thì sẽ có nguồn lực để giải quyết. Với nguồn lực Nhà nước hiện nay, tính đến vấn đề dự trữ lâu dài là đúng. Cần đầu tư nhiều hơn về kho và nâng mức dự trữ. Song cũng phải xem lại nguồn lực của nhà nước đã sẵn sàng bỏ ra hay chưa? Khi nguồn lực của đất nước dư giả hơn, thì nên xem xét vấn đề này.
Về hướng sắp tới, ông Đông cho rằng, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ để sửa Nghị định 83 và 95. Trong ban soạn thảo cũng có những vấn đề đưa ra tranh luận rất nhiều, hiện nay có 3 phương án đưa ra và ban soạn thảo cho rằng đây là những yếu tố căn cơ nhất của vấn đề xăng dầu. Tức là ngoài việc tái cấu trúc hệ thống phân phối xăng dầu, thì phương thức điều hành giá một là giữ nguyên như hiện nay. Phương án này hiện có ưu và nhược điểm.
“Theo thống kê, hiện nay vẫn có 20 nước vẫn có giá trần về xăng dầu, nhưng họ không điều hành giá liên tục. Việc định giá áp giá trần và zoom giá trần gần với thị trường nhiều hơn. Cách tính của ta đang giữ giá trần song cách tính giá trần đang thiên về việc kiểm soát CPI. Việc ta can thiệp liên tục cũng khác với một số nước. Do đó nếu ta giữ nguyên cách tính thì cần thay đổi theo cách tính chi phí, rà soát để các yếu tố đầu vào đúng, đủ hơn” – ông Đông lý giải.
Quan điểm thứ hai, đây là ý kiến nhận được ý kiến đa số đồng thuận của ban soạn thảo, đó là trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn, một số chi phí doanh nghiệp trả về cho doanh nghiệp. Nhà nước sẽ có giá tham chiếu và vẫn sử dụng quỹ nhưng không sử dụng liên tục như hiện nay mà tính theo máy, tự động tính toán khi có giá biến động tăng hoặc giảm.
Phương án 3 là hoàn toàn trả hết cho thị trường, bỏ quỹ, bỏ can thiệp ngắn hạn. “Tất cả các phương án đều có có ưu nhược điểm, song Ban soạn thảo đang bàn kỹ, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động để làm sao hướng tới thể chế quản lý xăng dầu thực sự khoa học và phù hợp trong bối cảnh hiện nay” – ông Đông nhấn mạnh.