Xin ông cho biết, việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế nói chung và ngành dầu khí nói riêng?
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) hiện đang được lấy ý kiến của các đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế. Luật Dầu khí được sửa đổi gần nhất vào năm 2008. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, do yếu tố biến động của giá dầu cũng như một số hoạt động trên Biển đông không thuận lợi khiến tính hấp dẫn của hoạt động dầu khí giảm đi…
Ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) |
Ngoài ra, sản lượng dầu trong những năm qua liên tiếp suy giảm, năm 2021, dù vượt kế hoạch trên 10% cũng chỉ đạt khoảng 9 triệu tấn. Nguyên nhân ảnh hưởng đến sự suy giảm này và không có bù đắp đó là thiếu đầu tư bổ sung, các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu, những mỏ mới được phát hiện đều là những mỏ nhỏ, mỏ cận biên nên đưa vào khai thác khó khăn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá dầu biến động nên nhà đầu tư rất nghi ngại; thủ tục đầu tư khi Luật Quản lý vốn và ngân sách nhà nước (Luật 69) ban hành năm 2014 cũng làm cho các quy trình thủ tục của đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị trong tập đoàn thêm khó khăn, trở ngại. Theo đó, việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này là yêu cầu rất bức thiết, đòi hỏi của thực tiễn của ngành dầu khí cũng như nền kinh tế.
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này đã có nhiều điều chỉnh, như đã quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà thầu và Petrovietnam. Theo ông, những điều chỉnh này đã bám sát được nhu cầu của thực tiễn chưa?
Trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu và Petrovietnam. Đây là vấn đề cấp thiết trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này. Về quyền và trách nhiệm của nhà thầu cơ bản đạt được, tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam trong dự thảo lần này có lẽ vẫn chưa đạt được mong đợi.
Cụ thể, Petrovietnam đóng vai trò là chủ thể của các hợp đồng dầu khí đã và sẽ ký kết trong tương lai. Nếu trong Luật Dầu khí chưa thể hiện được Petrovietnam đại diện cho nước chủ nhà, về mặt giao dịch dân sự (hợp đồng), người ký hợp đồng với Petrovietnam cũng nghi ngại, bởi Petrovietnam không là chủ thể pháp lý và đầu mối duy nhất toàn quyền thực hiện việc ký kết, quản lý giám sát và giải quyết tranh chấp liên quan đến triển khai thực hiện các hợp đồng dầu khí.
Vì vậy, trong kiến nghị lần này, chúng tôi muốn Quốc hội thông qua, bổ sung quyền và trách nhiệm của Petrovietnam, đó là "Petrovietnam quyết định và phê duyệt những dự án đầu tư, mua bán, sang nhượng trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí có vốn tới 50% vốn điều lệ của tập đoàn". Mục trách nhiệm bổ sung thêm "nếu các dự án này vượt 50% có trách nhiệm báo với cơ quan đại diện chủ sở hữu của tập đoàn".
Giải quyết được điều này, sẽ giải quyết được căn cơ bài toán đầu tư về thẩm quyền ra quyết định mà lâu nay rất vướng mắc. Đồng thời, nếu sửa đổi đạt được như kỳ vọng, sẽ tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước, thêm nguồn thu ngoại tệ và thêm việc làm cũng như an sinh xã hội, an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo ông, đâu là những điểm cốt lõi để tăng tính hiệu quả và thiết thực hơn trong sửa đổi Luật Dầu khí lần này?
Thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến từ các bộ, ngành, Petrovietnam, cũng như ý kiến của các địa phương, cơ quan, song có quá nhiều ý kiến khác nhau, theo đó, việc tập hợp cũng chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, theo tôi, một trong những điểm cốt lõi để tăng tính hiệu quả trong sửa đổi Luật Dầu khí lần này quan trọng nhất cần tăng khả năng hỗ trợ thu hút đầu tư, tăng hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như cho nước chủ nhà. Tạo điều kiện trong quá trình triển khai các dự án dầu khí được thực hiện thuận lợi theo hướng đúng với tôn chỉ, mục đích đã đặt ra...
Thậm chí, tiềm năng để đầu tư thăm dò và ký các hợp đồng dầu khí mới vẫn còn cơ hội nếu như kịp sửa đổi những bất cập trong Luật Dầu khí.
Xin cảm ơn ông!