Cụ thể, thay vì kiểm tra theo lô như quy định hiện hành, sẽ sửa đổi theo hướng các xe nhập khẩu được kiểm tra theo kiểu loại, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc sửa đổi Nghị định 116 là phù hợp trong bối cảnh thị trường ôtô, hoạt động nhập khẩu ôtô đã đi vào ổn định.
Ảnh minh họa |
Thực tế trong 2 năm qua sau khi nghị định được ban hành, ngành ôtô trong nước đã có bước phát triển nhất định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý nhà nước cũng chặt chẽ hơn, không còn tình trạng lộn xộn trong hoạt động nhập khẩu xe. Bằng chứng là lượng xe nhập khẩu tăng, các hãng xe đều xác nhận nguồn gốc và kiểu loại, thực hiện nghiêm túc quy định của Nghị định 116.
Được biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định này cũng đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến. Theo đó dự thảo đưa ra đề xuất sửa đổi, bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực: sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô; điện lực; hóa chất; thực phẩm; than, khoáng sản; kinh doanh khí.
Trong đó, với lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu ôtô, dự thảo sửa đổi, bãi bỏ các quy định về điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, an toàn phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy. Theo đó, bãi bỏ khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.
Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP đang đưa ra các điều kiện: Người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ôtô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ôtô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô tối thiểu 5 năm; có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.
Nếu đề xuất của Bộ Công Thương được chấp thuận, việc quản lý nhà nước sẽ chuyển hướng từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các điều kiện này mà sẽ không đặt ra trong điều kiện cấp giấy phép kinh doanh. |