Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), sáng 25/10.
Sửa để phù hợp với Hiệp định CPTTP
Theo Tờ trình của Chính phủ, trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng không thể xử lý tình huống bằng cách ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ. Nhiều vụ án, vụ việc đã phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ hoặc không thể tiến hành được đầy đủ các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, kết luận điều tra, quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định. Việc tống đạt các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện Kiểm sát, Tòa án… cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành được. Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Từ những lý do này, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.
Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này.
Theo Tờ trình Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát BLTTHS để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP (trong thời hạn 03 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/01/2022).
Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc và yêu cầu hơn trách nhiệm của công an xã
Thảo luận trực tuyến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng nhìn nhận thực tế tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội như vừa qua, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng áp dụng với từng trường hợp cụ thể.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu |
Giải trình, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, qua thảo luận đã có nhiều ý kiến xác đáng thể hiện sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS.
Về ý kiến tên Luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị giữ nguyên tên “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS”, vì phạm vi sửa đổi dự án Luật lần này chỉ tập trung sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP; giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, không mở rộng đến các nội dung khác mà chưa được nghiên cứu, đánh giá, tổng kết đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 155 và Khoản 8 Điều 157 của Bộ Luật Tố tụng hình sự có liên quan đến Khoản 1 Điều 226 Bộ Luật Hình sự, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, tại điều khoản của Hiệp định CPTPP về công nhận chỉ dẫn địa lý có quy định rằng các bên thừa nhận chỉ dẫn địa lý có thể bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu; hoặc một hệ thống riêng; hoặc các biện pháp pháp lý khác. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng tương tự như việc bảo hộ nhãn hiệu.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý không chỉ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do đó, việc giao quyền chủ động yêu cầu khởi tố vụ án cho chủ sở hữu quyền, mặc dù ở khía cạnh nhất định có thể bảo vệ được chủ sở hữu quyền nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới và Việt Nam sẽ ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc chú trọng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP cũng thể hiện Việt Nam coi trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường thuận lợi, an toàn và thu hút. Từ các phân tích trên, việc sửa đổi cả bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cũng nêu ý kiến, cần bổ sung trách nhiệm công an cấp xã, quy định các căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai dịch bệnh, tuy nhiên trong Thông tư hướng dẫn thi hành cần phải quy định chặt chẽ về cấp độ thiên tai, dịch bệnh, cần xác định thời gian xảy ra thiên tai dịch bệnh và các điều kiện cụ thể khác để tránh việc lạm dụng. Đồng thời cần làm rõ trường hợp nếu thiên tai dịch bệnh xảy ra và kết thúc trong thời hạn điều tra, nhưng với thời gian còn lại mà cơ quan điều tra cũng không đủ thời gian để kết thúc điều tra thì trong trường hợp này khi hết thời hiệu điều tra thì cơ quan điều tra có được ra quyết định tạm đình chỉ hay không?. Nếu có thì tạm đình chỉ đến khi nào?.
Một số ý kiến cho rằng từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19 cho thấy, BLTTHS cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh.