Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km với tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng. Mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng đã ký văn bản yêu cầu VEC khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn giao thông trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tổng cục Đường bộ cho hay, các hư hỏng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã được Cục Quản lý đường bộ III nhiều lần đôn đốc, thậm chí đã ban hành nhiều quyết định xử phạt nhưng VEC vẫn chưa chấp hành. Hư hỏng vẫn không được sửa chữa.
Đối với việc sửa chữa trên đoạn tuyến QL14B từ Km23+126 - Km24+825 tại nút giao Tuý Loan, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng cục Đường bộ đã có nhiều văn bản đề nghị VEC sửa chữa khắc phục. Cụ thể, tháng 9/2021, VEC cam kết hoàn thành việc sửa chữa trong tháng 10/2021. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục vẫn chưa được thực hiện, những hư hỏng đang phát triển theo chiều hướng xấu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông...
Ảnh minh họa |
Ngay từ khi tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác, sử dụng, các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ảnh về tình trạng vừa đi đã hỏng. Những tồn tại trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian qua là hết sức nguy hiểm. Các chuyên gia, kỹ sư cầu đường bộ đều cho rằng những tồn tại trên cần phải được khắc phục ngay lập tức, khắc phục triệt để, tránh lặp lại tình trạng hư hỏng.
Việc chậm khắc phục không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông mà sẽ còn dẫn đến những hư hỏng mang tính hệ thống của cả tuyến đường gây thiệt hại nặng nề cả về con người và tài sản.
Vậy tại sao trước một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đã nhiều lần được yêu cầu xử lý nhưng VEC vẫn án binh bất động, bỏ mặc những chỉ đạo của cấp trên? Phải chăng những yêu cầu, chỉ đạo, những “án phạt” của các cơ quan chức năng vẫn chưa quyết liệt, chưa đủ sức nặng? Thậm chí một số người dân còn bức xúc nêu câu hỏi: VEC cứng đầu hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhu nhược?
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: “VEC chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện do nguyên nhân chậm trễ khắc phục các tồn tại”.
Dường như đây là câu chuyện trên bảo dưới không nghe. Nhưng các cụ ta vẫn thường nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Trách nhiệm của VEC là đương nhiên và rõ ràng; thế nhưng, khi xảy ra chuyện cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của chính Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Vai trò quản lý nhà nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải ở đâu khi để một sự việc nghiêm trọng tồn tại suốt một thời gian dài.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cần quyết liệt hơn nữa, đưa ra thời gian cụ thể để khắc phục những hư hỏng trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cần có những biện pháp đủ mạnh để yêu cầu VEC phải thực hiện ngay những việc cấp bách nêu trên. Người dân phải trả phí, phải đóng góp tiền thì họ phải được đi trên những con đường đẹp và an toàn.
Đây không phải là câu chuyện hiếm về sự lừng khừng đang diễn ra tại Bộ Giao thông vận tải. Thời gian qua dư luận rất bức xúc trước việc Bộ Giao thông vận tải chậm triển khai làn thu phí không dừng. Lợi ích của làn thu phí không dừng là quá rõ: Tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường…
Thế nhưng, vào cuối năm 2019, khi thời hạn đã hết, Bộ Giao thông vận tải đã xin lùi thời hạn thêm một năm với lý do thiếu vốn. Đến cuối năm 2020, xe vẫn ùn tắc trước các trạm thu phí và cho đến thời điểm này, việc thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ vẫn chưa xong. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, theo Bộ Giao thông vận tải là do thiếu vốn đầu tư, hệ thống khác nhau, người dân chưa sẵn sàng... Thế nhưng dư luận nghi ngờ việc chậm áp dụng thu phí tự động là có sự che giấu nguồn thu.
Liên tiếp những sự việc vừa qua khiến cho dư luận hoài nghi về sự kỷ cương, tính nghiêm minh tại Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc.