Nhiều quốc gia vẫn kiên định phát triển điện hạt nhân |
Năng lượng hạt nhân được tạo từ việc chia tách các hạt nhân nguyên tử bằng các lò phản ứng được kiểm soát bởi con người và máy móc. Do vậy, năng lượng hạt nhân có thể nói là gần như vô tận nếu như so sánh với các loại năng lượng hóa thạch hiện nay.
Theo cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trên thế giới hiện có 436 lò phản ứng hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất 377,7Gwe. Đồng thời có khoảng 70 lò phản ứng đang được xây dựng, với tổng công suất gần 74Gwe. Các nhà máy ĐHN cung cấp hơn 11% sản lượng điện năng của thế giới một cách liên tục, nguồn phụ tải đáy đáng tin cậy, không gây phát thải khí CO2.
Trong đó, các quốc gia như Pháp sản xuất khoảng 3/4 điện năng từ năng lượng hạt nhân; Bỉ, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Slovenia và Ukraina trên 1/3; Hàn Quốc, Bungari và Phần Lan thường trên 30%; Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha và Liên Bang Nga gần 20%. Nhật Bản từng dựa vào năng lượng hạt nhân với hơn 1/4 sản lượng điện và dự kiến sẽ quay trở lại mức đó.
ĐHN vẫn là sự lựa chọn của nhiều quốc gia khi ngày càng có nhiều nhà máy ĐHN đang được xây dựng trên thế giới. Chẳng hạn, mục tiêu của Ấn Độ là có 14,5GWe công suất điện hạt nhân lên lưới điện tới năm 2020. Bao gồm các lò phản ứng nước nặng, nước nhẹ và các lò phản ứng tái sinh nhanh. Có 7 lò phản ứng hạt nhân đang hoặc sắp được xây dựng, gồm cả thiết kế trong và ngoài nước. Liên bang Nga dự kiến tăng công suất năng lượng hạt nhân lên 30,5GWe tới năm 2020, sử dụng các lò phản ứng nước nhẹ vào loại tốt nhất trên thế giới. Nga hiện cũng rất tích cực trong việc xây dựng và tài trợ các nhà máy ĐHN mới ở một số nước.
Hay, Hoa Kỳ đã có 5 lò phản ứng đang được xây dựng, 4 lò trong đó là thiết kế AP1000 đời mới. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang xây dựng 2 lò phản ứng đầu tiên trong số 4 lò phản ứng 1.450 MWe của Hàn Quốc, với chi phí trên 20 tỷ USD. Nam Phi đã cam kết để lên kế hoạch tăng thêm các lò phản ứng hạt nhân thông thường. Nigeria đã nhờ tới sự giúp đỡ của IAEA để phát triển các kế hoạch cho 2 lò phản ứng trên 1.000 Mwe. Nhiều nước đang có kế hoạch để tăng thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hiện có, xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng một cách chắc chắn các nhà máy ĐHN mới.
Thực tế đã chứng minh, năng lượng hạt nhân đã đem lại những lợi ích to lớn về năng lượng, đặc biệt cho các quốc gia không có nhiều tài nguyên để sản xuất năng lượng. Bên cạnh đó, sản xuất năng lượng hạt nhân không thải ra khói, vì thế, không gây ô nhiễm không khí trực tiếp.
Theo IAEA, điện hạt nhân có thể đảm bảo nguồn điện sạch, giá cả phải chăng và đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng. Điện hạt nhân dự kiến đạt 1.000 Gwe công suất mới vào năm 2050. |