Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Hành động thiết thực của Quảng Ninh
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Duy Thanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh.
Xin ông cho biết một số kết quả đạt được trong công tác tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua?
Qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, với sự nỗ lực của các sở ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự hưởng ứng của nhân dân, đến nay công tác tiết kiệm điện trên địa bàn đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2020 tiết kiệm được 70.970.488 kWh chiếm 1,5% sản lượng điện thương phẩm (điện năng thương phẩm năm 2020 đạt 4.738.544.513 kWh); riêng đối với khách hàng công nghiệp tiêu thụ 3.299.116.754 kWh, tiết kiệm được 49.486.751kWh. Năm 2021 sản lượng điện tiết kiệm đối với tất cả thành phần sử dụng điện đạt 74.838.155 kWh chiếm 1,5% sản lượng điện thương phẩm (điện năng thương phẩm năm 2021 đạt 4.989.210.318 kWh); khối khách hàng công nghiệp tiêu thụ 2.640.809.329kWh, tiết kiệm được 48.854.973 kWh.
Ông Phạm Duy Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh |
Thưa ông, cụ thể đối với nhóm khách hàng là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, công tác tiết kiệm năng lượng đã được triển khai thực hiện như thế nào?
Theo quy định, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm phải thực hiện: Chỉ định người quản lý năng lượng; kiểm toán năng lượng; áp dụng mô hình quản lý năng lượng; xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh…
Kết quả, tính đến thời điểm hiện nay hầu hết các cơ sở đã thực hiện kiểm toán năng lượng, bổ nhiệm người quản lý năng lượng và xây dựng, thực hiện kế hoạch hàng năm, 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Qua đó, đã đầu tư lắp đặt biến tần, khởi động mềm để điều khiển thiết bị có công suất lớn, trang bị hệ thống quản lý giám sát điện năng để giảm tiêu hao do non tải, không tải; ưu tiên vận hành thiết bị vào các giờ thấp điểm, hạn chế vận hành máy vào các giờ cao điểm; thay thế các động cơ làm việc non tải bằng các động cơ có công suất phù hợp; mua sắm mới các thiết bị có hệ số sử dụng năng lượng thấp, năng suất cao.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các máy móc thiết bị để duy trì tính năng kỹ thuật, giảm tiêu hao điện năng; tăng cường sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao, sử dụng đèn compac, đèn led phục vụ chiếu sáng; đưa các trạm biến áp, trạm phân phối đến gần phụ tải cũng như thực hiện nâng cấp, cải tạo hệ thống cung cấp điện để giảm tổn thất điện năng...
Công tác hỗ trợ kiểm tra, bảo dưỡng các tủ điện của các doanh nghiệp tại KCN do PC Quảng Ninh thực hiện |
Vậy những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng là gì, tỉnh có những giải pháp gì nào để hỗ trợ thưa ông?
Việc triển khai triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp hiện gặp không ít khó khăn do đội ngũ người quản lý năng lượng tại các cơ sở năng lượng trọng điểm chủ yếu là kiêm nhiệm. Mặt khác, tại nhiều doanh nghiệp thực hiện luân chuyển vị trí việc làm do đó chưa thực sự tiếp cận các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tại một số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, do đặc thù công việc do đó không có người quản lý năng lượng đảm bảo các tiêu chuẩn về bằng cấp theo quy định, điển hình như trong lĩnh vực giao thông vận tải. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đề cao ý thức trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Trong khai thác than nhiều công nghệ mới tiết kiệm năng lượng đã được TKV ứng dụng |
Đặc thù tại Quảng Ninh có nhiều cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hoạt động trong lĩnh vực khai thác than, theo đó việc đầu tư các trang thiết bị để thực hiện tiết kiệm năng lượng thường có chi phí rất lớn. Các doanh nghiệp chưa được tiếp cận các dự án, chương trình hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các nguồn vốn tài trợ ưu đãi hoặc không hoàn lại nên việc triển khai các giải pháp sau kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 01/10/2020 thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3) trên địa bàn tỉnh với các nhiệm vụ giải pháp như: Thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động sản xuất, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng... Tổng kinh phí dự kiến cho các nhiệm vụ là 543.662 triệu đồng, trong đó, ngân sách 57.362 triệu đồng, nguồn khác là 486.300 triệu đồng.
Xin cảm ơn ông!