Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập nước: Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu gì? Ngập cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và câu chuyện quy hoạch hệ thống thoát nước |
Đã đưa vào khai thác 800 km
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Theo Bộ Giao thông vận tải nhận định, quy hoạch khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chia thành nhiều dự án tương ứng với các giai đoạn khác nhau. Hiện nay đã đưa vào khai thác 800 km.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động đã tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng... |
Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) dài hơn 650 km gồm 11 dự án thành phần đã thông xe 6 đoạn tuyến gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm. Dự kiến ngày 2/9 sẽ thông xe đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km. Ngày 31/12, hoàn thành dự án cầu Mỹ Thuận 2. Trong năm 2024, 2 dự án thành phần còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được đưa vào vận hành.
Đối với giai đoạn 2, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh - Quảng Trị; Quảng Ngãi - Nha Trang; Cần Thơ - Cà Mau. Dự án này được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026...
Hiện nay có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đã đi vào hoạt động. Không thể phủ nhật việc các tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng và cả nước nói chung. Đây còn là “đòn bẩy” thu hút đầu tư, phát triển ngành du lịch... Riêng dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác tuyến chính vào dịp lễ 30/4 vừa qua không chỉ giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A thường xuyên quá tải phương tiện lưu thông khi đi qua 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận... Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động đã tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng...
Cần rà soát hệ thống tiêu thoát nước trên toàn bộ cao tốc
Sự cố ngập nước đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra rạng sáng 29/7 khiến hàng loạt xe ô tô lưu thông trên đoạn bị ngập sâu, chết máy dẫn đến việc ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài hàng km. Đến ngày 30/7, mặc dù tình trạng ngập tại Km 25+419 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã tạm thời được giải quyết nhưng thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn đang tiếp tục có mưa khiến các tài xế lo ngại tình trạng ngập sẽ tái diễn.
Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Vinh (ngụ Ấp 5, xã Đông Thạnh, Huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) nhận định, rõ ràng, sự cố ngập nước đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa qua là "chưa có tiền lệ". Không thể đổ lỗi một cách phiến diện, vô trách nhiệm “mưa lớn là nguyên nhân gây ngập” (hoặc hỏa hoạn là do lửa)....
"Theo tôi, tuyến đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây ngập là lỗi ở công tác thiết kế, xây dựng thiếu sót, đã không tính được mực nước mưa vào thời gian cao điểm. Bên cạnh đó, các vị trí ngập gần bên con suối, hệ thống thoát nước quá nhỏ bé so với lưu lượng nước của con suối ở vị trí này. Trong khi đó, mặt đường cao tốc đoạn này lại thiết kế rất thấp, võng xuống như cái lòng chảo, cho nên mưa lớn nước sẽ tràn qua đường. Đây là những nguyên nhân chính gây ngập đường cao tốc khi trời mưa lớn, nước không kịp thoát.
Sự cố ngập nước đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây rạng sáng 29/7 khiến hàng loạt xe ô tô lưu thông trên đoạn bị ngập sâu. (ảnh: mxh) |
Để khắc phục tình trạng ngập nước tuyến đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, về cơ bản và lâu dài cần phải nâng cao mặt đường đoạn bị ngập, không để võng xuống thành cái hồ chứa nước. Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước cũng phải cải tạo lại để đủ sức thoát nước khi trời mưa lớn và thời gian mưa lâu..." ông Phạm Xuân Vinh nói.
Tương tự, ông Trần Hoàng Tú (Kỹ sư Xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Về sự cố ngập nước đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, theo ý kiến cá nhân tôi có thể nói "lỗ hổng" là do thiết kế, một phần do thi công?. Khi mà một công trình xây dựng làm ra có nhiều yếu tố, vấn đề khảo sát thực tế ban đầu rất quan trọng. Do đó phải tính được lượng mưa, trọng lượng xe qua lại khu vực... Về khắc phụ sự cố, cần đến hiện trạng khu vực đó mới đưa ra biện pháp khắc phục được".
Một số chuyên gia về hạ tầng giao thông cho rằng, chuyện xảy ra ngập trên đường cao tốc là điều hiếm thấy. Đây là đường chuyên dụng cho các phương tiện ôtô nên nền đường được thiết kế cao, nằm xa khu dân cư nên nếu ngập nước, cần phải xem xét lại thiết kế, hệ thống thoát nước và cả việc kiểm tra chất lượng mặt đường sau ngập.
Ngoài ra, cần rà soát hệ thống tiêu thoát nước trên toàn bộ cao tốc. Trong đó, không chỉ tính đến khả năng tiêu thoát nước ở tại khu vực cao tốc, mà còn tính đến khu vực lân cận để có dự báo về tổng lượng mưa lớn và năng lực thoát nước tương ứng theo hướng có chuẩn bị dư địa để ứng phó với ngập lụt.
Phải khắc phục triệt để sự cố ngập nước đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây Về vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long khắc phục triệt để sự cố ngập nước đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long chủ trì, phối hợp với đơn vị vận hành, nhà thầu thi công, tư vấn, các cơ quan địa phương xử lý triệt để nguyên nhân sự cố, bảo đảm ổn định lâu dài đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án, báo cáo kết quả trước ngày 3/8. Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra; Giám đốc Ban QLDA Thăng Long phải nghiêm túc triển khai và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện các yêu cầu nêu trên. |