Xây dựng thương hiệu toàn cầu
Năm 2020, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng - từ cách thức mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành trạng thái "Bình thường mới". Thay vì sử dụng mô hình xuất khẩu truyền thống bao gồm nhiều thủ tục phức tạp, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp người bán hàng tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách trực tiếp. Từ đó, họ có thể giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới, cũng như thúc đẩy khách hàng truy cập các trang web của thương hiệu.
Amazon là nền tảng TMĐT hàng đầu tại đa số quốc gia. Theo đó, Amazon sẽ hỗ trợ người bán hàng thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa vượt qua rào cản địa lý để gia nhập những thị trường mới và tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên Amazon toàn cầu. Amazon có nhiều chính sách hỗ trợ để giúp DN xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Khi các DN này đưa sản phẩm lên Amazon, ngoài việc tiếp cận với hàng triệu khách hàng, gia tăng doanh số họ còn có rất nhiều cơ hội ký kết hợp đồng với các đối tác khác trên Amazon.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc bán hàng toàn cầu Amazon tại Việt Nam cho biết, thông qua nền tảng Amazon nhiều DNNVV có thông tin trên toàn cầu, từ đó có thể tiếp cận 300 triệu khách hàng toàn cầu và khai thác tệp khách hàng ở 185 quốc gia. Đồng thời đơn giản hóa quy trình mở rộng thị trường truyền thống thông qua nền tảng TMĐT Amazon; Tiết kiệm chi phí tối đa cho việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Hiện có hàng nghìn nhà bán hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Amazon, trong đó các mặt hàng gia dụng, phụ kiện thời trang... được ưa chuộng. Đại diện Amazon cũng đánh giá các nhà bán hàng Việt Nam đã khá thành công và liên tục phát triển doanh số với các mặt hàng nội thất, sản phẩm handmade như thiệp 3D, hoa giấy...
Do đó, "TMĐT là công cụ cực kỳ hiệu quả để xây dựng thương hiệu toàn cầu. Việc xây dựng thương hiệu toàn cầu giúp cho DN gia tăng giá trị sản phẩm, làm cho giá trị sản phẩm tăng gấp bội lần", ông Thủy khẳng định.
Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí khi xuất khẩu xuyên biên giới
Theo ông Trịnh Hoàng Linh - Giám đốc điều hành iExport, Công ty CP Procom Việt Nam thì các doanh nghiệp ngoài những kiến thức về lĩnh vực xuất khẩu, quy trình xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp phải có hiểu biết những công cụ đặc thù của TMĐT. Đồng thời xuất khẩu qua TMĐT hướng đến người dùng cuối nên đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu thị trường và biết cách định vị thương hiệu, duy trì uy tín để đạt tăng trưởng bền vững.
Văn hóa và ngôn ngữ cũng là một trong những rào cản cho doanh nghiệp khi xuất khẩu xuyên biên giới. "TMĐT xuyên biên giới đòi hỏi tính tương tác cao, trong khi đa phần nhà bán hàng Việt Nam thuộc quy mô vừa và nhỏ"- ông Linh nhấn mạnh.
![]() |
Ông Trần Xuân Thủy phát biểu tại hội thảo Thúc đẩy DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển đổi số thành công trên nền tảng TMĐT |
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia TMĐT cần có sự tư vấn của các công ty chuyên về giải pháp TMĐT để ứng dụng mô hình phù hợp nhất. Về lâu dài, các DN nhỏ nên trang bị hệ thống phần mềm để có thể quản lý đồng thời cả đơn hàng truyền thống với đơn hàng TMĐT. Để bán hàng trên các sàn TMĐT, các DN cần bố trí nhân viên theo dõi và xử lý đơn hàng cũng như trả lời khách hàng khi có yêu cầu. Lựa chọn mô hình kinh doanh trên sàn TMĐT kết hợp với các hình thức kinh doanh truyền thống hoặc kinh doanh trực tuyến. Đồng thời giúp khách hàng có nhiều lợi ích hơn về việc lựa chọn thời gian giao hàng, phương thức thanh toán cũng như hưởng lợi qua các chương trình khuyến mại của các sàn TMĐT. DN cần xây dựng chi tiết, mô tả cụ thể thông tin về sản phẩm. Ngoài việc đăng ảnh sản phẩm, DN có thể sử dụng các video/clip về sử dụng sản phẩm, tạo dựng uy tín dựa trên các phản hồi từ khách hàng đã mua hàng, đã trải nghiệm sản phẩm…
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Doanh nghiệp dù mở gian hàng trên Amazon mà chưa có đơn hàng, thì thị trường trong nước cũng sẽ tăng trưởng, vì bản thân doanh nghiệp đã đổi mới nhiều về sản xuất và vận hành để đáp ứng yêu cầu của sàn TMĐT quốc tế.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc bán hàng toàn cầu Amazon tại Việt Nam cũng cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm nhưng chưa biết làm thương hiệu, chưa có các giấy tờ chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho hàng hóa. Thiếu kinh nghiệm giao thương quốc tế, kinh nghiệm về hải quan và logistic, không biết cách nào để làm thủ tục hải quan và thuê đơn vị logistic nào cho hiệu quả, an toàn.
Trong năm 2021 Amazon Global Selling Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác thanh toán, vận chuyển... tại Việt Nam. Đồng thời, mới đây, doanh nghiệp ra mắt Trung tâm thông tin bán hàng Amazon bằng ngôn ngữ tiếng Việt và thành lập đội ngũ chuyên trách tại Hà Nội sẽ tăng cường và hỗ trợ người bán hàng tại Việt Nam.
Amazon là tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ trực tuyến này để tìm kiếm sản phẩm. Hiện nay nhiều công ty Việt đã tận dụng và bán được hàng hóa trên Amazon nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. Vậy doanh nghiệp Việt muốn bán hàng hiệu quả trên Amazon có thể liên hệ với Báo Công Thương để được hỗ trợ và kết nối trên Amazon. Cán bộ phụ trách chị Ngọc Anh, số điện thoại 0912.343.696. |