Đề xuất quy định về đường sắt tốc độ cao |
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam sẽ là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/giờ. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.
Công trình này có tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD; chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, chi phí thiết bị 15 tỷ USD; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 5,82 tỷ USD; chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.
Để bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, nhu cầu vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án phân kỳ đầu tư. Cụ thể, giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội- Vinh và đoạn Nha Trang- Thành phố Hồ Chí Minh chiều dài 665km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,72 tỉ USD, trong đó chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020-2026, thi công giai đoạn 2027-2031, đưa vào khai thác khoảng năm 2032.
Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh- Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỉ USD, trong đó khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh- Đà Nẵng; khoảng năm 2045-2050 khai thác đoạn Đà Nẵng- Nha Trang.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, điểm đầu dự án tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh).