Tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ ba
Tại tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 9/2, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) - cho biết, HFIC được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay đề án cơ bản hoàn thành các nội dung, lãnh đạo thành phố đã thông qua, đồng thời đã được trình lên Trung ương và đang xúc tiến thành lập Ban chỉ đạo đề án để sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) (bên phải) chia sẻ tại tọa đàm. |
Nói về sự cấp thiết của việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, nhìn lại quá trình phát triển TP. Hồ Chí Minh đã trải qua hai làn sóng đầu tư. Ở làn sóng thứ nhất, thành phố đã thành công trong việc thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc đa lĩnh vực và hình thành nhiều Khu chế xuất- Khu công nghiệp. Nền tảng này đã mở ra nhiều cơ hội, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân; tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hình thành nên làn sóng đầu tư thứ hai.
Đối với làn sóng đầu tư thứ hai, việc thu hút đầu tư được chọn lọc hơn, theo hướng nâng cao chất lượng dòng vốn doanh nghiệp đầu tư như: Samsung, Intel, Nidec Sankyo... Những doanh nghiệp đầu đàn này đã tạo cơ sở để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đến Việt Nam. Điển hình thành công của làn sóng đầu tư này là thành phố đã hình thành khu công nghệ cao.
Tuy vậy với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba. Trong đó là kiến tạo hình thành thị trường vốn mà Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh là điển hình.
“Trên thực tế, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nguồn vốn đa dạng hơn, lớn hơn, dài hơi hơn để có thể mở rộng quy mô đầu tư và phát triển. Và việc sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế sẽ là nền tảng để thu hút đầu tư, tạo cú hích mạnh cho đồng bộ các ngành cùng phát triển”- ông Hòa chỉ ra.
Giải pháp nào thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế cho TP. Hồ Chí Minh?
Mặc dù chúng ta đã nói về việc hình trung tâm tài chính từ lâu song theo TS Đinh Thế Hiển, quá trình này vẫn chậm chạp. “Đề án trung tâm tài chính của Viện Kinh tế Thành phố năm 2000 đã được phê duyệt, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu của 7 tỉnh. Tuy nhiên, nếu TP, Hồ Chí Minh không được Trung ương cấp cho các cơ chế đặc thù thì khó mà hình thành trung tâm tài chính”- TS Đinh Thế Hiển nói.
Theo TS Đinh Thế Hiển, hiện nay nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu là ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. Thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều sự cố và đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có trung tâm tài chính để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế.
Cũng liên quan giải pháp thúc đẩy hình thành trung tâm tài chính, Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nói rằng, thực tế TP. Hồ Chí Minh đã là trung tâm tài chính của cả nước dù chưa được định hình bài bản, thấy rõ nhất là những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm…
Tuy vậy nếu ở tầm quốc tế sẽ cần phải chuyển đổi để hoàn thiện hơn và ông Điền đề xuất cần có chính sách đủ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo cơ hội sinh lời và cuối cùng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. “Muốn đáp ứng vấn đề này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt là có chính sách thuế tiệm cận với chính sách thuế của các trung tâm tài chính trong khu vực và thế giới đang áp dụng”- ông Huỳnh Thanh Điền nói.
Bên cạnh chính sách, theo ông Huỳnh Thanh Điền, Nhà nước cần phải đảm bảo yếu tố thông tin cân bằng, hoàn chỉnh, tránh thông tin bất cân xứng. Muốn vậy, cần phải siết kỹ cương thị trường, minh bạch thông tin, chính sách niêm yết, khung hành lang pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp có cơ sở triển khai.
Được sự quan tâm, ủng hộ bằng nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành, cùng sự nỗ lực vượt bậc của người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo, nhờ đó TP. Hồ Chí Minh đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế cả nước. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, tạo chuyển biến khá tích cực. Phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân… Nhằm khắc phục những hạn chế, tạo xung lực mới cho TP. Hồ Chí Minh phát triển toàn diện, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiều giải pháp, chiến lược đột phá, trong đó có ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm này vừa là mục tiêu vừa là giải pháp cho thành phố làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay trung tâm này chưa thể hình thành. |