Năm 2022, cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm tiêu dùng,… dần mở cửa trở lại. Nhu cầu vay tiêu dùng theo đó cũng được kỳ vọng tăng mạnh.
Cần hỗ trợ để người dân tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống. Ảnh minh họa: TTXVN |
“Rộn ràng” ưu đãi
Thời điểm Tết cận kề, do ảnh hưởng dịch Covid-19 cho nên thu nhập của người lao động nhiều nơi giảm sút. Tuy nhiên do nhu cầu, và cả văn hóa truyền thống, thị trường mua sắm dịp cuối năm vẫn khá nhộn nhịp. Anh Trần Đức Anh, công nhân tại một khu công nghiệp ở Hà Nội chia sẻ: Năm nay công ty làm ăn khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng giảm sút một phần ba. Tuy nhiên, cháu lớn đỗ đại học, vợ chồng hứa tặng cháu chiếc xe máy, cho nên dành dụm chờ cuối năm có thêm chút tiền thưởng Tết mua cho cháu. Sau một “vòng” tham khảo thị trường, vợ chồng anh đã dùng tiền thưởng Tết cộng thêm vốn vay từ một công ty tài chính theo hình thức trả góp lãi suất 0% trong sáu tháng để sắm xe máy cho con.
Nắm bắt được nhu cầu vay tiêu dùng thường tăng mạnh trong dịp Tết, ngay từ thời điểm cuối năm 2021, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đã “tung” ra nhiều sản phẩm, dịch vụ và các chương trình ưu đãi. Home Credit dành một tỷ đồng cho chương trình khuyến mãi vay tiêu dùng từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, người tiêu dùng vay tiền mặt, mở thẻ tín dụng hoặc sử dụng để chi tiêu, vay mua xe máy, mua bảo hiểm sẽ có cơ hội trúng vàng ròng…
Cùng với các công ty tài chính, nhiều ngân hàng cũng kết hợp với các nhà bán lẻ để đưa ra gói tiêu dùng lãi suất 0%, hoặc miễn lãi trong một vài tháng đầu. Đồng thời, cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, nhằm đơn giản thủ tục cho vay. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Toàn Vượng, Agribank hiện xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng. Để hỗ trợ khách hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt, đồng thời nhằm hạn chế “tín dụng đen”, Agribank đang dành 25 nghìn tỷ đồng cho vay thấu chi với lãi suất ưu đãi (tối đa 7,5%/năm) đối với khách hàng trả lương qua tài khoản tại Agribank.
Còn với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mới đây nhất, chương trình ưu đãi tín dụng BIDV dành cho khách hàng cá nhân có tổng quy mô lên tới 200 nghìn tỷ đồng, lãi suất siêu linh hoạt chỉ từ 5%/năm. Với khách hàng vay tiêu dùng, vay mua ô-tô, vay sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lãi suất giảm chỉ còn từ 6,4%/năm trong sáu tháng đầu; khách hàng tại các địa bàn khác là từ 6,6%/năm. Hiện nay, BIDV đang chú trọng đến hoạt động cho vay tiêu dùng, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tính đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng của ngân hàng chiếm khoảng 45% tổng dư nợ của khách hàng cá nhân.
Góp phần hạn chế “tín dụng đen”
Theo đánh giá của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, việc các ngân hàng đẩy mạnh nhiều chương trình cho vay tiêu dùng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, giúp người dân có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống thuận lợi hơn. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của tổ chức tín dụng. Bởi nếu cho vay và quản lý cho vay tốt, hiệu quả, không để xảy ra rủi ro thì đây cũng sẽ là thị trường, xu hướng phát triển của các tổ chức tín dụng. Còn theo các chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng muốn thúc đẩy cho vay tiêu dùng cũng nhằm phân tán bớt rủi ro bởi những khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ hơn so với các khoản vay của doanh nghiệp. Đồng thời, các gói vay này cũng thường đi kèm với tài sản bảo đảm, giúp giảm rủi ro nợ xấu.
Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, từng bước mở cửa thị trường, nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu tín dụng dù tăng nhưng vẫn thấp hơn so với thời gian trước dịch. Chính vì vậy, để “hút” khách hàng, các tổ chức tín dụng phải không ngừng tự “đổi mới” để thích nghi. Hiện nay, khi người dân có xu hướng chuyển dịch tiêu dùng từ trực tiếp sang online, các công ty tài chính cần sớm triển khai nhiều sản phẩm online cũng như nâng cấp bảo mật để phù hợp nhu cầu chi tiêu mua sắm, tiêu dùng, vừa bảo đảm an toàn và góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Số liệu mới nhất về tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 10 triệu tỷ đồng, trong đó, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% dư nợ nền kinh tế. Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành ngân hàng do Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) vừa đưa ra nêu rõ: Năm 2022, nhiều ngân hàng cho biết sẽ nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên thay vì thắt chặt như cuối năm 2021. Điều này xuất phát trên cơ sở kỳ vọng về yếu tố kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với năng lực tài chính của ngân hàng được cải thiện hơn. Nhu cầu tín dụng phục vụ đời sống và tiêu dùng được nhận định sẽ tăng cao nhất trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân, tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn, tiền đồng cao hơn ngoại tệ.