Báo chí Thanh Hóa đồng hành cùng doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 |
Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình tiếp tục được duy trì; cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông công nghệ thông, chuyển đổi số… góp phần quan trọng cùng tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu
Thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo và đạt được những kết quả toàn diện đáng ghi nhận. Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông giao, hoàn thành 100% các công việc đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định; Công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tiếp tục được tăng cường và đạt kết quả tốt.
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực để tỉnh Thanh Hóa bứt phá trong chuyển đổi số |
Theo đó, các chỉ tiêu phát triển ngành được giao tiếp tục đạt kết quả tốt. Cụ thể, doanh thu các dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 4.670 tỷ đồng, bằng 103,5% so với cùng kỳ, đạt 117,1% so với kế hoạch giao. Nộp ngân nhà nước hơn 220 tỷ đồng, bằng 110 % so với cùng kỳ; Phát hành báo chí ước đạt 17,5 triệu tờ, cuốn; đạt 100% kế hoạch được giao; Tổng số thuê bao trên toàn mạng ước đạt 2.957.000 thuê bao (trong đó 27.000 thuê bao cố định; 2.930.000 di động), bằng 100,92% so với kế hoạch được giao, mật độ thuê bao điện thoại đạt 81,62 máy/100 dân. Bên cạnh đó, thuê bao Internet trên toàn mạng ước đạt 2.360.000 thuê bao; đạt mật độ 64,34 thuê bao/100 dân bằng 118% kế hoạch được giao.
Trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thông tin, tuyên truyền, các cơ quan báo chí, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên phục vụ các nhiêm vụ chính trị, trong đó trọng tâm là: Tuyên truyền triển khai, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Kỷ niệm 75 năm Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc tại Thanh Hóa; Kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 05 năm thành lập thành phố Sầm Sơn; Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm ngày ký kết hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn; Kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu; Lễ hội Lam Kinh; Công tác chuyển đổi số; Tuyên truyền biển đảo…
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tổ chức 12 Hội nghị giao ban báo chí định kỳ hàng tháng với các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Tổ chức cho phóng viên báo chí đi tác nghiệp tại huyện Thường Xuân để tuyên truyền việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Toàn cảnh Hội nghị chiều ngày 30/12/2022 |
Thực hiện cập nhật, theo dõi hơn 7.000 tin bài báo chí Trung ương viết về Thanh Hoá kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh. Trên cơ sở tổng hợp các nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí. Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã ban hành văn bản đôn đốc các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; kịp thời kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh để trả lời theo quy định. Do đó khắc phục tình trạng đưa tin phản ánh một chiều, sai sự thật, suy diễn, đưa tin sự việc kéo dài, góp phần ổn định dư luận.
Dấu ấn chuyển đổi số
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số như: Quyết định ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Quyết định về giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2022 - 2025.
Trung tâm Giám sát - điều hành thông minh tỉnh Thanh Hóa |
Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch truyền thông thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đào tạo, tập huấn cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh; Tổ chức đào tạo chuyển đổi số trực tuyến trên nền tảng Onetouch cho trên 700 học viên là lãnh đạo cấp xã; Phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho 15 lớp với trên 1.125 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số.
Các xã, phường, thị trấn thành lập 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng với 14.758 thành viên để hỗ trợ tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã phát huy vai trò trong công tác tham mưu chỉ đạo chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và trong đời sống xã hội đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tổ chức thành công các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với chủ đề “Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa” nhằm nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa tại Hội nghị tổng kết năm 2022 |
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã phối hợp với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Chi nhánh Thanh Hóa tổ chức các hội nghị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa”, nhằm tạo ra các giá trị mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cho 620 doanh nghiệp với gần 1.000 đại biểu trên địa bàn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những dấu ấn về chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho rằng: Muốn có chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phải chuyển từ hình thức hoạt động thủ công truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần đầu tư phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
"Cùng với đó là xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để phục vụ chuyển đổi số. Khi đã có cơ sở dữ liệu rồi phải xây dựng các quy định khung để khơi thông dòng chảy, chia sẻ dữ liệu để doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về cần thiết của chuyển đổi số" - ông Quyết nhấn mạnh.