Ngày 4/5, WHO bàn việc kết thúc đại dịch Covid-19 Sai phạm trong phòng chống dịch Covid-19, Giám đốc CDC Thanh Hóa mất chức |
Vắc xin ngừa Covid-19 nội địa đang ở giai đoạn nào?
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa có vắc xin phòng dịch, 4 đơn vị trong nước đã tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19, đó là: Công ty TNHH Một thành viên vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC); Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược NANOGEN.
Số phận vắc xin nội địa khi Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp. Ảnh minh họa |
Việc này được ngành y tế, người dân ủng hộ và kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam chủ động về nguồn vắc xin để vượt dịch.
Tuy nhiên đến thời điểm này, vắc xin ngừa Covid-19 của cả 4 đơn vị nêu trên đều chưa được cấp phép. Kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy: Tất cả 4 đơn vị đều tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 sử dụng các công nghệ khác nhau, tùy vào thế mạnh công nghệ sẵn có của đơn vị.
Hiện tại, NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng pha 3 và đang chờ cấp phép; IVAC hoàn thành thử nghiệm lâm sàng pha 2; VABIOTECH hoàn thành thử nghiệm tiền lâm sàng; trong khi POLYVAC đang nhận chuyển giao công nghệ mRNA.
Chia sẻ tại hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu vắc xin và sự tham gia của Việt Nam trong Chương trình chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra mới đây, các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố ảnh hưởng đến năng lực sản xuất vắc xin, bao gồm: Nguồn lực tài chính; chuyển giao công nghệ; hỗ trợ quốc tế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chuyên môn; nền tảng công nghệ sẵn có; đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và một số yếu tố khác.
Theo TS. Nguyễn Khánh Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế: Nhìn chung, năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất vắc xin của khu vực, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, đảm bảo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước; tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển vắc xin, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế.
Chia sẻ về sản xuất vắc xin Covid-19 nội địa ở thời điểm này có cần thiết? Một số chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, vắc xin Covid-19 hiện nay không còn là vấn đề ưu tiên và cũng không phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế. Lý do vì phần lớn người trên 18 tuổi đã hoàn thành tiêm hai mũi và hiện đã có thêm nhiều biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện so với thời điểm vắc xin được nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo đại diện của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, dù gặp một số ách tắc nên việc sản xuất vắc xin không đạt được mục tiêu đề ra nhưng việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 hiện vẫn có ý nghĩa về mặt khoa học, giúp Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin.
Chủ động nâng cao năng lực sản xuất vắc xin trong nước
Mặc dù WHO đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và vắc xin Covid-19 không còn là vấn đề ưu tiên và cũng không phù hợp với bối cảnh hiện nay song vẫn được khuyến nghị tích hợp tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong chương trình tiêm chủng trọn đời.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - cho rằng: Việc tiếp cận vắc xin rất quan trọng ở cả góc độ chương trình tiêm chủng thường quy cũng như vắc xin khẩn cấp trong đại dịch, các đại dịch khác trong tương lai.
Do vậy Việt Nam cần tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc đang hiện hữu, đó là: Đảm bảo các điều kiện để xây dựng, thực thi chính sách cấp phép vắc xin cũng như đảm bảo năng lực bộ máy quản lý nhà nước và nguồn nhân lực để xây dựng, thực thi các quy định cấp phép vắc xin theo chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp để xây dựng, thực thi chính sách; đầu tư tăng cường hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hiệu quả việc cấp phép thuốc, vắc xin, nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải và tồn đọng hồ sơ cấp phép đăng ký lưu hành.
Đồng thời thiết lập hệ thống giám sát đánh giá việc cấp phép vắc xin trong điều kiện thường và điều kiện khẩn cấp; tạo môi trường quản lý, kinh doanh tốt không còn chịu tác động của những hệ lụy sau thời gian phòng chống dịch bệnh đem lại; có cơ chế, chính sách khuyến khích và tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong nước trong điều kiện Việt Nam đang có đủ năng lực về cả cơ sở vật chất lẫn con người.
Đối với các trường hợp khẩn cấp trong lĩnh vực y tế dự phòng, cần có sự cam kết chính trị và đầu tư nguồn lực từ Nhà nước, nhằm tạo động lực cho nhà sản xuất tập trung phát triển sản phẩm, sẵn sàng ứng phó khi an ninh y tế bị đe dọa.
Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị tốt cho tình trạng khẩn cấp về sức khỏe bao gồm Covid-19 và các dịch bệnh khác với việc tự sản xuất vắc xin trong nước và trở thành trung tâm sản xuất vắc xin khu vực ở châu Á. |