Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng giảm đi đáng kể |
Theo báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội vào cuối tháng 10/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đưa ra những con số khá cụ thể về việc xử lý sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng. Theo đó, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012, xuống còn 3 cặp vào năm 2015. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp tập trung ở một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm mạnh. Đến tháng 6/2015 chỉ còn 12 cặp sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp so với 56 cặp vào thời điểm tháng 6/2012.
Trong 4 năm qua, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng được xử lý một bước quan trọng; sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản; các nhóm lợi ích đã giảm dần. NHNN cũng tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng. Tình trạng một tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một số tổ chức tín dụng hoặc một số tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một tổ chức tín dụng đã giảm so với thời gian trước đây.
Đặc biệt, các ngân hàng đã tích cực thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính. Tính từ năm 2012 đến tháng 6/2015, các tổ chức tín dụng thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp với tổng số tiền gần 8.800 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Phước- Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia- nhìn nhận: Vi phạm về sở hữu chéo được tích cực chỉ đạo xử lý. Đơn cử các trường hợp tại Ngân hàng TMCP Nam Việt, Phương Tây, Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Phương Nam, Sacombank, Eximbank, Đông Á,....
“Việc thực hiện tái cơ cấu một cách quyết liệt đã giúp cho tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản gần như chấm dứt, số lượng ngân hàng thương mại giảm đáng kể”- ông Phước nhấn mạnh. Đặc biệt, thông qua tiến trình hợp nhất, sáp nhập, chất lượng quản trị điều hành của các ngân hàng được nâng cao đáng kể. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng cũng giúp hoạt động của hệ thống trở nên an toàn và hiệu quả hơn.
Theo NHNN, hệ thống quy chế, chính sách an toàn hệ thống ngân hàng, nhất là quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đã hoàn thiện một bước quan trọng và phù hợp hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn nợ xấu gia tăng trong tương lai, hạn chế sở hữu chéo, tình trạng chi phối, thao túng ngân hàng của cổ đông lớn, hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, đồng thời minh bạch hơn hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng.
Theo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng- NHNN: Các tổ chức tín dụng còn vi phạm về sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định của pháp luật đều có phương án xử lý để thực hiện đúng quy định, chậm nhất đến tháng 2/2016. |