Bến Tre chuẩn bị lô hàng bưởi da xanh đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự khánh thành nhà máy điện gió trên biển ở Bến Tre |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương chiều 7/7, ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre - cho biết: Gần đây do gặp khó đầu ra, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, để hỗ trợ người trông dừa tiêu thụ dừa khô, Sở Công Thương đã kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, để doanh nghiệp thu mua dừa, tiếp tục chế biến hoặc lưu trữ vào kho trong lúc chưa xuất khẩu được. Còn về lâu dài Sở tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thu dừa và các sản phẩm từ dừa cho doanh nghiệp và nông dân trồng dừa...
Tỉnh Bến Tre hiện có 77.000 ha trồng dừa với sản lượng đạt hơn 600 triệu trái mỗi năm |
Trước đó, vào ngày 4/7, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã gửi Công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh tiêu thụ dừa và các sản phẩm từ dừa.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, giá bán dừa khô hiện nay trên địa bàn tỉnh giảm rất mạnh, từ mức 6.500 đồng/trái nay chỉ còn khoảng 2.000 đồng/trái. Giá dừa giảm mạnh, kéo dài và hiện ở mức thấp nên thu nhập người dân trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các cơ sở cũng ngừng thu mua hoặc thu mua ít, đã làm cho dừa khô tồn đọng nhiều trong dân và có nguy cơ bị hư hỏng. Nguyên nhân giá dừa xuống thấp chủ yếu do ảnh hưởng sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu dừa trên thế giới. Cùng với đó, giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa... mà hiện tại các sản phẩm phụ phẩm này giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đang thực hiện chính sách "zero covid", hạn chế nhập khẩu (kể cả tiểu ngạch). Mặt khác, Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc và không thể xuất khẩu qua Trung Quốc nên buộc Thái Lan phải hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sản phẩm dừa, đặc biệt là dừa trái lớn của Bến Tre, hiện đang siết chặt việc nhập khẩu các loại nông sản nên lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, còn sản phẩm chỉ xơ dừa hầu như không xuất khẩu được.
Để giải quyết những khó khăn cho ngành dừa, giúp người nông dân ổn định cuộc sống trong bối cảnh giá xăng dầu, phân bón... tăng cao, UBND tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU; đề nghị các Tham tán Thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp Bến Tre tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị hai Bộ trên hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, trong đó có mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sớm cho phép trái dừa tươi Việt Nam được vào danh sách được xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Bến Tre hiện có 77.000 ha trồng dừa với sản lượng đạt hơn 600 triệu trái mỗi năm, giá trị sản xuất ngành chế biến dừa đạt 3.500 tỷ đồng, chiếm gần 10% so với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Mỗi năm kim ngạch dừa xuất khẩu của Bến Tre đạt khoảng 350 triệu USD, tới 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 4,05%, chiếm 10,32% so với giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. |