Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp các địa phương miền Trung sau bão Noru đổ bộ Thừa Thiên Huế: Cứu sống 9 ngư dân trôi dạt trên biển 3h chiều nay 4/10: Điều tiết hồ chứa Tả Trạch để sẵn sàng đón lũ |
Sở Công Thương Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị đối thoại hoạt động kinh doanh xăng dầu cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu tham gia buổi đối thoại.
Ông Lê Trung Ba – Giám đốc Công ty CP thương mại Phú Lộc trao đổi tại buổi đối thoại |
Đây không chỉ là hoạt động cần thiết để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xăng dầu mà còn nhìn nhận sự quản lý nhà nước của các Sở, ngành trong việc cấp phép, quản lý hoạt động này sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi thẳn thắng tại buổi đối thoại, đa số các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xăng dầu cho biết, việc kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn vừa qua thì giá cả chỉ một phần, phần khác là doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như ảnh hưởng dịch bệnh, thủ tục kiểm tra hành chính...
Ông Lê Trung Ba – Giám đốc Công ty CP thương mại Phú Lộc (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho biết, thời gian qua, có những thời điểm công ty càng bán càng lỗ. “Tình trạng này đặt các cây xăng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu đóng cửa, tạm ngưng bán thì cửa hàng sẽ mất khách, còn tiếp tục bán thì lỗ nặng”, Giám đốc Công ty CP thương mại Phú Lộc cho biết.
Bên cạnh đó, trường hợp ông Nguyễn Văn Thi – Doanh nghiệp tư nhân Hà Trung (huyện Phú Vang) chia sẻ, thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng (năm 2021 – PV), là doanh nghiệp tư nhân nhưng đơn vị vừa phải phòng chống dịch, vừa phải cung ứng xăng dầu cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Thống – Giám đốc Công ty CP xăng dầu DKC Huế cho biết, hơn 2 năm dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên sau khi dịch bệnh tạm ổn định thì cơ quan chức năng tổ chức thanh kiểm tra.
Thị trường cung ứng xăng dầu tại Thừa Thiên Huế luôn được đảm bảo, không đứt gãy cục bộ |
Là đơn vị kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn khoảng 65%, với 122 cửa hàng, Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế (Petrolimex TTH) luôn đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, có những thời điểm khan hàng thì việc cung ứng cho các thương nhân bắt buộc phải tính toán kỹ càng, nhất là những thời điểm biến động giá lên xuống.
Bà Đinh Nhật Lệ - Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế được cho phép bán giá xăng dầu theo vùng 2 (tính khoảng cách vận chuyển - vùng 2 cao hơn vùng 1 là 2%), tuy nhiên thời gian qua Công ty chưa áp dụng đến giá vùng 2 tối đa. Là đơn vị nhà nước, nên giá bán ra sẽ theo quy định, khó khăn lớn nhất của Công ty là thời điểm biến động tăng giá, vì người dân đổ xô đi mua rất đông, có thời điểm hơn ngày tết.
“Có những thời điểm khan hàng, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cung ứng nguồn cung cho các thương nhân nhượng quyền, không để ra tình trạng đứt nguồn cục bộ. Những tháng cuối năm, đặc biệt mùa mua lũ 2022, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng việc cung ứng, cửa hàng ở trong trạng thái tồn kho cao nhất, tối đa sức chứa”, bà Đinh Nhật Lệ cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, Huế là địa phương có đặc thù so với nhiều tỉnh, thành khác khi thị trường xăng, dầu chủ yếu bán lẻ, không có đầu mối nhập khẩu xăng, dầu… Tuy nhiên, những năm dịch bệnh Covid-19 và tình hình khó khăn trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa vẫn vượt qua, giúp thị trường xăng, dầu ở ThừaThiên Huế luôn đảm bảo, cung ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là điều các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
“Để tránh ảnh hưởng lớn đến người dân và nền kinh tế, từ đầu năm đến nay, Nhà nước đã nỗ lực giảm thuế, điều tiết quỹ bình ổn linh hoạt để ổn định giá mặt hàng chiến lược này. Tới đây, Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền đang nghiên cứu để điều chỉnh sao cho gần hơn với thực tiễn trên quan điểm hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh khẳng định, Sở Công Thương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật khi cấp phép. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm nếu cán bộ nào có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực. Về phản ánh doanh nghiệp mỗi tháng phải tiếp 2-3 đoàn kiểm tra cùng 1 nội dung, doanh nghiệp cứ gửi đơn phản ánh lên lãnh đạo tỉnh, nếu có căn cứ, tôi tin sẽ được giải quyết thỏa đáng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế hiện có 58 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xăng dầu với 132 của hàng bán lẻ.