Nhiều thành tích đáng ghi nhận
Chiều nay, 9/1/2025, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương; ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các đại biểu đến từ các sở, ngành, địa phương và đông đảo các tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Sở Công Thương Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 |
Theo số liệu của Sở Công Thương Thanh Hóa; hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm 2024 tiếp tục tăng trưởng tích cực ở mức cao, là động lực chính đóng góp cho tăng trưởng GRDP và thu ngân sách tỉnh.
Đa số các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều tăng trưởng khá cao như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn duy trì công suất tối đa; huy động nguồn điện của EVN được cải thiện hơn các năm trước; nửa sau của năm 2024 thị trường xuất khẩu hồi phục, các đơn hàng nhiều hơn đã thúc đẩy hoạt động ngành may mặc giầy da nhộn nhịp trở lại; hoạt động đầu tư công, xây dựng dân dụng được đẩy mạnh đã kích thích tiêu thụ của nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, một số dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn đi vào hoạt động bù đắp cho các sản phẩm giảm và các sản phẩm tăng trưởng thấp, nên tính chung các thống kê về công nghiệp vẫn đạt cao, cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 19,25%; giá trị gia tăng công nghiệp tăng 20,09% so với cùng kỳ (gấp hơn 2 lần tốc độ tăng năm 2023, năm 2023 tăng 9,8%).
![]() |
Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 |
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng chi phối đã mở rộng thị trường tiêu thụ, có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: Điện sản xuất, xăng, dầu diesel, sáp parafin, benzen, lưu huỳnh rắn, xi măng, thuốc lá bao, giày thể thao, quần áo may sẵn, thép
Trong năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 6,293 tỷ USD, bằng 104,9% kế hoạch; hoạt động xuất khẩu tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: may mặc, giầy dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng, thép, thuốc lá… có kim ngạch xuất khẩu cao so với cùng kỳ. Hiện tại, toàn tỉnh có 304 doanh nghiệp xuất khẩu đến 68 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị.
Giá trị nhập khẩu cả năm ước đạt 10,042 tỷ USD, bằng 120,3% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: dầu thô, nguyên, phụ liệu hàng may mặc, nguyên, phụ liệu giày dép.
![]() |
Ông Trần Anh Chung, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị |
Ngoài ra, hoạt động thương mại trong năm 2024 vẫn diễn ra sôi động, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân phong phú, giá cả ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, găm giá, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, mùa du lịch, lễ hội; các chương trình kích cầu, chương trình khuyến mại, các hội chợ được diễn ra thường xuyên tại các địa phương; công tác kết nối cung cầu từng bước gắn kết hiệu quả giữa nguồn cung và thị trường, dần hình thành các chuỗi liên kết đối với hàng hóa có nguồn gốc trong tỉnh, chuỗi tiêu thụ thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn để phục vụ người dân tốt hơn và giảm bớt chi phí trung gian.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển, tạo động lực cho hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và thói quen mua sắm của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 197.671 tỷ đồng, bằng 105,1% kế hoạch, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Ngành Công Thương giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế
Để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025, ngành Công Thương sẽ chú trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng phát huy các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; phát triển theo chiều sâu và bền vững với các chỉ tiêu chủ yếu như sau: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12% so với năm 2024; Giá trị gia tăng công nghiệp (VACN) tăng 18% so với năm 2024; Giá trị xuất khẩu đạt 8.000 triệu USD, tăng 27,1% so với năm 2024; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 209.000 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2024.
Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, mục tiêu đặt ra cho ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa trong năm 2025 là tương đối cao, nhưng với phương châm "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển", ngành Công Thương đã đề ra một số giải pháp cụ thể như, khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương; tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu với công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động, phát huy tối đa công suất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp, cụm công nghiệp…
![]() |
Lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa điều hành buổi tham luận tại hội nghị |
Đồng thời chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại, thúc đẩy áp dụng thương mại điện tử, phát triển dịch vụ logistics…
Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp sản xuất và phân phối, hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, các tổ chức quản lý, kinh doanh điện thường xuyên cải tạo, nâng cấp hệ thống điện; thường xuyên nắm bắt, theo dõi tiến độ của các dự án đầu tư về nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các Chủ đầu tư.
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”; tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực của ngành; triển khai mở rộng mô hình chợ 4.0, duy trì và mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Khẩn trương tiến hành công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của sở và các đơn vị trực thuộc; tạo tâm lý phấn khởi, yên tâm công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
![]() |
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Năm 2025 là năm tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, cũng như kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị.
Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, tỉnh Thanh Hóa xác định lĩnh vực Công Thương tiếp tục giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị |
Vì vậy, nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 của ngành Công Thương có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đề nghị ngành Công Thương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại lớn nhằm nhanh chóng tạo ra các sản phẩm mới có giá trị cao.
Phối hợp rà soát các bất cập của quy hoạch điện VIII so với quy hoạch tỉnh để cập nhật vào hồ sơ quy hoạch tỉnh điều chỉnh, đảm bảo đồng bộ, thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án năng lượng. Chủ động theo dõi, phối hợp, tham mưu các giải pháp quản lý, điều hành giá, giữ ổn định thị trường. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ - tiêu dùng bền vững.
Ông Mai Xuân Liêm cũng đề nghị ngành Công Thương tập trung rà soát, tham mưu sửa đổi các nội dung quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập nhằm xử lý dứt điểm các "điểm nghẽn" đang làm chậm tiến độ, chậm phát triển đối với lĩnh vực Công Thương. Khẩn trương tiến hành công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của Sở và các đơn vị trực thuộc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, hoạt động của ngành Công Thương tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới ngày càng có nhiều tiềm ẩn rủi ro khó lường, khó dự báo; xuất hiện nhiều “điểm nóng”; áp lực lạm phát kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng. Cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, xu thế bảo hộ mậu dịch phi thuế quan ngày càng gia tăng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của tỉnh. Ở trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; nền kinh tế đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; song các khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; chỉ đạo điều hành linh hoạt của Bộ Công Thương; sự quan tâm phối hợp của các ngành, các địa phương và nỗ lực của cộng đồng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nên các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công Thương vẫn tăng trưởng cao; các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công Thương đều vượt kế hoạch đầu năm, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |