Giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023 do Bộ Công Thương chủ trì vừa làm việc với Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, đồng thời, đoàn đã kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn Thái An; Công ty Cổ phần bia Quốc tế TTC.
Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2023 do Bộ Công Thương chủ trì làm việc với Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị |
Trong các năm qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã, phường, thị trấn công bố rộng rãi các danh mục thủ tục hành chính thuộc quản lý của Sở Công Thương theo Quyết định số 1417/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND ngày 8/4/2019 của UBND tỉnh để các cơ sở tại địa phương nắm bắt và thực hiện.
Công tác tuyên truyền, giáo dục bảo đảm an toàn thực phẩm được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Trong đó phát huy vai trò của cơ quan báo, đài tại các huyện, thị xã, thành phố đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các Đội Quản lý thị trường đã phối hợp với phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng lập sổ bộ quản lý các cơ sở thuộc phạm vi quản lý an toàn thực phẩm của ngành Công Thương phân cấp cho cấp huyện. Qua đó, công tác quản lý về an toàn thực phẩm được thực hiện thuận lợi hơn.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết, hàng năm, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng, đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Ban quản lý các chợ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các hộ kinh doanh, buôn bán thực phẩm tại chợ tuân thủ các quy định pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; buôn bán, tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng hóa đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.
Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo các quy định của pháp luật. Các siêu thị, trung tâm thương mại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Vấn đề an toàn thực phẩm được cụ thể hóa trong nội dung Nội quy hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại và được Sở Công Thương phê duyệt.
Sở Công Thương cũng thường xuyên cung cấp thông tin, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về an toàn thực phẩm đến các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn nghiên cứu, hướng dẫn và đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, Sở đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Trị. Đối với chương trình thương mại điện tử địa phương, Sở đã tiến hành nâng cấp giao diện và các tính năng trên sàn thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị để cập nhật thêm các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của tỉnh;
Đồng thời, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị nhằm quảng bá sàn thương mại điện tử tỉnh Quảng Trị đến người dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; kết nối 5 doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước nhằm đăng ký gian hàng, cập nhật sản phẩm, thông tin, giá bán, nội dung, hình ảnh sản phẩm lên sàn cũng như hỗ trợ theo dõi, hướng dẫn doanh nghiệp tương tác trực tiếp với người mua...
Sở còn phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền phổ biến pháp luật và giám sát các hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát và kiểm tra, xử lý ngăn chặn các vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Tuy nhiên, Sở Công Thương Quảng Trị cũng gặp một số khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đó là, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, sản xuất không thường xuyên, nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh về an toàn vệ sinh thực phẩm còn thấp.
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, đối với các siêu thị, trung tâm thương mại công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm túc |
Trang thiết bị phục vụ kiểm tra, phân tích thực phẩm còn thiếu nên việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với các loại thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Công tác xử lý vi phạm của tuyến huyện, xã còn hạn chế, chủ yếu chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, tính răn đe chưa cao.
Đoàn kiểm tra đề nghị trong thời gian tới Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện nghiêm và đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, thực hiện báo cáo định kỳ đầy đủ.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm. Chủ động, tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tập thể, các kho hàng thương mại.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả,… kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý rà soát hệ thống doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm để nắm bắt thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch quản lý, hậu kiểm một cách khoa học, tránh trùng lặp, tránh bỏ sót.
Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp với Sở Y tế để theo dõi, cập nhật kịp thời tình trạng tự công bố thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương.