Ninh Bình: Nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến công Ninh Bình: Các cửa hàng xăng dầu cam kết không đầu cơ găm hàng |
Thu hút doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp
Những năm qua, do điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, chưa bố trí được kinh phí để đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nên hạ tầng các cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, chưa được bảo trì, sửa chữa, nâng cấp thường xuyên để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đi lại của các doanh nghiệp, cơ sở.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư cho các cụm công nghiệp, Sở Công Thương Ninh Bình đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện chủ trương thu hút các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Sau quá trình thực hiện cho thấy các chủ đầu tư hạ tầng có đủ năng lực để thực hiện đầu tư cũng như phương án kinh doanh hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng 18 cụm công nghiệp, trong đó có 10 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng.
Nhiều cụm công nghiệp đã phát huy hiệu quả của quỹ đất với giá trị gia tăng cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước như cụm công nghiệp Khánh Thượng - huyện Yên Mô.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, cụm công nghiệp Khánh Thượng có diện tích thành lập, mở rộng là 70,61 ha do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Bảo Minh - Khánh Hồng làm chủ đầu tư. Trong đó: diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 55,763 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 26,866 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 48,5%; tổng vốn đầu tư hạ tầng 411,201 tỷ.
Cụm công nghiệp Khánh Thượng mở rộng từ quý I đến quý III năm 2021, lập hồ sơ dự án xin mở rộng, trình xin quyết định chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư, xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, lập hồ sơ mở rộng cụm công nghiệp; đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục thuê đất phần mở rộng.
Từ quý IV/2021 đến quý hết II/2022 thực hiện san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào và đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước thải, điện chiếu sáng phần mở rộng. Hoàn thiện dự án, tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư trong Cụm công nghiệp Khánh Thượng.
Cụm Công nghiệp Khánh Thượng - huyện Yên Mô |
Với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, Cụm công nghiệp Khánh Thượng đã nhanh chóng tiếp cận được với nhà đầu tư thứ cấp thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất lắp ráp ôtô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao; cơ khí chế tạo; sản xuất đồ chơi trẻ em.
Đến nay, cụm công nghiệp đã thu hút được 8 dự án với diện tích đất cho thuê 26,866 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 48,5%; tổng vốn đầu tư đạt trên 1.769 tỷ đồng, trong đó: 2 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 12,32ha, tổng vốn đầu tư trên 834 tỷ đồng. Doanh thu năm 2021 đạt 215,28 tỷ đồng, nộp ngân sách 3,26 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 107,87 tỷ đồng, nộp ngân sách 0,33 tỷ đồng. Tạo việc làm cho 1.236 lao động; 6 dự án đang triển khai thực hiện với diện tích 14,548ha, tổng vốn đầu tư đạt trên 935 tỷ đồng.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp
Song song với việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, Sở Công Thương còn tham mưu tỉnh dành chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư hoạt động trong các cụm công nghiệp. Đơn cử, huyện Yên Mô đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư tại các cụm công nghiệp. Cụ thể, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để thu hút đầu tư.
Đồng thời, huyện cũng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng và phát triển sản xuất. Ngoài ra quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong những năm qua, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đều đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đồng thời tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo.
Để phát huy hiệu quả của các cụm công nghiệp hiện nay, Sở Công Thương Ninh Bình đang cùng với huyện Yên Mô và chủ đầu tư hạ tầng tích cực tuyên truyền, vận động, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có đủ năng lực theo đúng định hướng của tỉnh.
Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi nghiên cứu đầu tư vào cụm công nghiệp. Đây là cơ sở trong công tác quản lý nhà nước, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Cùng với đó, Sở Công Thương đang tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị với tỉnh và Trung ương hỗ trợ, giải quyết khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.