Theo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 27 chợ, 3 siêu thị và trên 6.000 cơ sở kinh doanh thương mại đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động phân phối thực phẩm luôn được Ban quản lý chợ, chủ các cơ sở kinh doanh tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định kinh doanh nói chung và an toàn thực phẩm (ATTP) nói riêng.
Đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm được các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lai Châu quan tâm |
Trong đó, đối với mô hình chợ ATTP tại chợ đầu mối, phường Đông Phong, TP. Lai Châu, Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với UBND TP. Lai Châu, UBND phường Đông Phong đôn đốc Ban quản lý chợ đầu mối thực hiện tốt công tác quản lý ATTP, duy trì đúng, đủ các tiêu chí đối với chợ ATTP. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh bảo quản hàng hóa ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để hàng hóa trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời; tuyệt đối không được bán các mặt hàng đã quá hạn sử dụng, hàng hóa bị mốc hỏng, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo ATTP...
Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng... Nhìn chung, các doanh nghiệp cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
Cũng trong năm 2021, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP. Cụ thể, đã thanh tra, kiểm tra 411 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện, xử lý 59 vụ vi phạm về ATTP. Trong đó, 41 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; 17 vụ vi phạm kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; 01 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã ban hành các văn bản phổ biến, thông tin về các quy định liên quan đến ATTP đối với thực phẩm xuất nhập khẩu như: Quy định ATTP và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của các nước thành viên WTO, nhu cầu thị trường, chứng chỉ/điều kiện xuất khẩu vào một số thị trường tiềm năng đối với mặt hàng nông sản… đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh biết và chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của phía nước nhập khẩu.
Mặt khác, tuyên truyền đến người tiêu dùng hiểu biết rõ về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định về ATTP, không sử dụng những sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm ATTP thông qua việc đăng tải các tin, bài, banner và các văn bản có liên quan trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương.
Trong năm 2022, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương; tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về ATTP, hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó chú trọng tuyên truyền vận động người dân không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP, kém chất lượng...
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương, nhất là trong Tháng hành động vì ATTP, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, Tết Trung thu hàng năm thuộc lĩnh vực ngành; hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Qua đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập lậu thực phẩm và sản xuất, kinh doanh, lưu thông các thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kém chất lượng; thực phẩm sử dụng chất cấm, phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng...
Sở Công Thương tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn quốc gia với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, tiếp tục bố trí các nguồn kinh phí để các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP thực hiện công tác giám sát mối nguy và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hoá; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý.