Chia sẻ về kết quả thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) ngành Công thương 6 tháng đầu năm 2021, ông Trần Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, bên cạnh việc ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP lĩnh vực Công Thương, Sở Công Thương đã đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông trong lĩnh vực này.
Các cơ sở kinh doanh sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm |
Cụ thể, Sở Công Thương đã tham gia hưởng ứng cổ động, treo băng rôn tuyên truyền tại cơ quan vào dịp Tết Nguyên đán và tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng”; xây dựng và phát hành 6.000 tờ rơi với nội dung “Những vấn đề cơ bản đảm bảo ATTP trong sản xuất rượu thủ công, kinh doanh rượu nhỏ lẻ” tuyên truyền đến người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý.
Đồng thời, phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP cho hơn 100 học viên là chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, người kinh doanh thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.
Sở Công Thương cũng tích cực, chủ động phối hợp tham gia đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và Công an tỉnh kiểm tra ATTP trong 6 tháng đầu năm 2021. Kết quả, trong dịp Tết nguyên đán kiểm tra 56 cơ sở, phát hiện 06 cơ sở vi phạm; trong đợt tháng hành động vì ATTP, thanh kiểm tra 34 cơ sở, phát hiện 05 cơ sở vi phạm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Sở luôn lồng ghép tiến hành tuyên truyền các văn bản pháp luật mới về ATTP.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã cấp 13 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và tiếp nhận 182 hồ sơ tự công bố đối với các sản phẩm cơ sở doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương (theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP). Việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực ATTP trong thời gian qua được Sở đảm bảo công khai, minh bạch, giải quyết hồ sơ nhanh chóng và không có hồ sơ nào trễ hẹn khi trả kết quả.
Ông Trần Văn Đấu nhận định, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là Bộ Công Thương, cùng sự tham gia tích cực của các ban ngành có liên quan, sự hỗ trợ của các cơ sở, hộ gia đình được kiểm tra và đồng tình của người dân nên công tác bảo đảm ATTP của tỉnh Bến Tre đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác triển khai kế hoạch thanh kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực ATTP được triển khai có hiệu quả cao.
Đặc biệt, qua các lớp tập huấn kiến thức về ATTP, cấp phát tờ rơi đến người dân, chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm đã nâng cao nhận thức của họ về đảm bảo ATTP trong suốt quá trình chế biến thực phẩm cũng như sử dụng thực phẩm an toàn, sản xuất chế biến thực phẩm đảm bảo hợp vệ sinh ATTP, chất lượng sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn quy chuẩn quy định của pháp luật…
Nhiệm vụ trọng tâm về công tác ATTP ngành Công Thương Bến Tre trong 6 tháng cuối năm 2021 đó là, thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP, giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương quản lý; tổ chức 07 lớp tập huấn hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện các thủ tục về ATTP, các văn bản pháp luật mới về các quy định, hình thức xử phạt trong sản xuất kinh doanh thực phẩm…
Cùng với đó, thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương quản lý trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh trong công tác thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết trung thu hoặc kiểm tra đột xuất khi có chỉ đạo của cấp trên.
Ngoài ra, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn…