Quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối còn nhiều bất cập |
Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 2 chợ đầu mối nông sản hạng 1 là: Chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Bên cạnh đó, còn có hệ thống chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như: Chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long…
Khảo sát tình hình kinh doanh tại các chợ đầu mối cho thấy, tại chợ đầu mối Minh Khai, các hộ kinh doanh chủ yếu buôn bán nông sản thu gom từ nhiều nơi. Các trục đường xung quanh khu vực chợ đầu mối Minh Khai thường diễn ra hoạt động kinh doanh khá sôi động. Cơ quan quản lý chợ thường xuyên lập đoàn kiểm tra, đã phát hiện nhiều nông sản nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Tại chợ đầu mối phía Nam, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được cán bộ thú y kiểm tra trước khi đưa vào kinh doanh. Tất cả các hộ kinh doanh thịt sống đều đã trang bị bàn inox nhưng dụng cụ sơ chế chưa đáp ứng yêu cầu, người kinh doanh chưa trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Tại khu vực kinh doanh rau, củ, quả, phần lớn các hộ kinh doanh có giá kệ, còn lại bày bán trên bạt, vỏ bao bì hoặc thúng, mẹt để trên sàn, không bảo đảm yêu cầu về ATVSTP.
Nguyên nhân dẫn đến việc không thể kiểm soát triệt để nguồn gốc và ATVSTP của lượng nông sản, thực phẩm rất lớn như hiện nay là do những mặt hàng này được thương lái thu gom chủ yếu từ các hộ gia đình hoặc trang trại, sau đó mang đến chợ bán buôn, không có tem nhãn, không cung cấp được hóa đơn, hợp đồng chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, các hộ kinh doanh vẫn xem nhẹ việc bảo đảm điều kiện ATVSTP.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay, hơn 70% NTD vẫn mua các sản phẩm thực phẩm từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm; số NTD mua thực phẩm tại siêu thị chỉ chiếm gần 30%. Mặt khác, không chỉ chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh, việc quản lý ATTP ở các chợ đầu mối còn bất cập do có nhiều hộ kinh doanh vãng lai, không ký hợp đồng với Ban quản lý chợ, chiếm đa số trong các hộ kinh doanh có phép.
Nhằm kiểm soát vấn đề ATTP tại các chợ đầu mối, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đôn đốc các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ khâu sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với chuỗi bán lẻ. Đây được coi là giải pháp nhằm bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu, tạo điều kiện thuận lợi khi truy xuất nguồn gốc, kiểm soát ATVSTP tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan tập trung khắc phục bất cập, tồn tại trong công tác quản lý. Cụ thể, yêu cầu đơn vị chủ quản chợ đầu mối tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đối với hộ kinh doanh, phải có dụng cụ treo, bày bán sản phẩm, không để dưới nền đất gây mất ATVSTP.
Hiện nay, khoảng 80% các loại nông sản, thực phẩm tại Hà Nội được giao dịch qua hệ thống chợ truyền thống. Trước sức ép của gia tăng dân số và nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng, TP. Hà Nội định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm khoảng 6 chợ đầu mối cấp khu vực, nâng tổng số lên 8 chợ đầu mối với diện tích bình quân từ 20 - 30ha/chợ. |