Cần giám sát chặt hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ |
"Vàng thau" lẫn lộn
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra một số vụ sai phạm liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Điển hình, tại TP. Hồ Chí Minh, cuối tháng 7 vừa qua, một người đàn ông ngoại quốc đã tử vong sau khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Trước đó, ở Hà Nội, một cô gái có dấu hiệu hoại tử sau khi chi hàng trăm triệu đồng nâng ngực… Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ khiến dư luận lo lắng.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - hiện nay, nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ viện không có bác sỹ cũng tiến hành kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ. Đặc biệt, có tình trạng hồ sơ cấp phép chỉ được làm một số danh mục kỹ thuật nhất định nhưng khi thực hiện lại quá phạm vi cho phép. Một số cơ sở khi quảng cáo khác với nội dung được duyệt… khiến thị trường phẫu thuật thẩm mỹ "vàng thau" lẫn lộn.
Bên cạnh đó, tình trạng phòng khám tư nhân có bác sỹ người nước ngoài hoạt động "chui" ngày càng nhiều. Điều này không chỉ gây ra sự cố và hệ lụy cho khách hàng mà còn ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, xã hội.
Quản lý cách nào?
Phải khẳng định, thẩm mỹ làm đẹp là nhu cầu chính đáng đi theo sự phát triển xã hội, song để có thể bảo đảm an toàn cho khách hàng, chấn chỉnh dịch vụ này, các cơ quan, ban, ngành phải thực sự nghiêm túc trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt.
Chia sẻ vấn đề này, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)- cho hay, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản quy định rõ về các văn bằng chứng chỉ, cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo; phạm vi chuyên môn rõ ràng; học ngành gì thì được thực hành phẫu thuật đó... Những quy định trên sẽ hạn chế được tình trạng trung tâm dạy nghề chưa được cấp phép nhưng vẫn tổ chức dạy về cắt mí, cắt môi, nâng mũi… đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, là một trong những địa bàn tập trung khá đông cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế Hà Nội mong muốn có thị trường phẫu thuật thẩm mỹ minh bạch, trong sáng, an toàn. Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền để người hành nghề nâng cao ý thức và thực hiện đúng pháp luật, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm.
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến "Ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam: Những vấn đề bất cập và giải pháp phát triển" tổ chức mới đây, nhiều trung tâm tạo hình thẩm mỹ cho hay, các bác sỹ khi đã có chứng chỉ nhưng nếu chưa đạt yêu cầu vẫn tiếp tục đào tạo lại, đào tạo tiếp. Sau 3 năm hoặc 5 năm xét lại chứng chỉ hành nghề. Phải làm chặt chẽ như vậy thì cơ sở hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ mới phát triển một cách lành mạnh, công bằng.
Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép cho 65 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 7 bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. |