Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy), Chủ tịch Tập đoàn EGroup và Đặng Văn Hiền, Trưởng ban Quan hệ cổ đông, Công ty EGame về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Bộ Công an, quyết định khởi tố nêu trên nằm trong quá trình Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu xác minh, giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo Nguyễn Ngọc Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup.
Cơ quan điều tra cũng đề nghị những người mua cổ phần của công ty ông Thủy hiện còn dư nợ, khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ điều tra.
Shark Thủy bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố các bị can trong vụ án này là "thông tin đã được dự đoán từ trước". Bởi doanh nghiệp này đã mất khả năng thanh toán từ lâu, trước đó có rất nhiều đơn thư tố cáo doanh nghiệp này.
Theo luật sư, đây không phải là vụ án đầu tiên về hành vi huy động vốn để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Trước đây đã có nhiều vụ án liên quan đến trái phiếu, bất động sản, lừa trồng sâm Ngọc Linh, các hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp...
Thực tế, pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên, việc huy động vốn phải công khai, minh bạch, sử dụng vốn đúng mục đích và không được phép đưa ra thông tin gian dối để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn.
Trường hợp đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn nhưng lại sử dụng vốn vào mục đích bất hợp pháp hoặc sử dụng sai mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Đáng tiếc, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng uy tín, vị thế trên thị trường, dùng chiêu thức đánh bóng tên tuổi, quảng cáo gian dối để huy động vốn trái phép", Luật sư Giáp nói.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp. (Ảnh: Chí Tâm) |
Theo dõi vụ Shark Thủy, Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng ngoài việc thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu buộc tội đối với bị can, bị cáo thì cần thu thập tài liệu, xác định vai trò người tham gia tố tụng khác để đưa họ vào tham gia vụ án như bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản ngân hàng, kê biên đối với các bất động sản, ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.
"Mặc dù đòi quyền lợi là quyền của người mua cổ phần nhưng cơ quan điều tra thông báo rộng rãi, công khai trên phương tiện tuyền thông nhằm để những người mua cổ phần biết quyền, nghĩa vụ của mình mà đưa ra yêu cầu đến cơ quan điều tra. Từ đó cơ quan điều tra tập hợp danh sách đưa vào hồ sơ vụ án, giải quyết theo quy định", Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho hay.
Quá trình điều tra vụ án, nếu các bị can hoặc những người thân của bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, đây sẽ là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can. Việc bồi thường khắc phục hậu quả có thể là một phần hoặc toàn bộ hậu quả, tùy thuộc vào khả năng và thái độ nhận thức của bị can.
Cũng theo luật sư, quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đưa ra quyết định, phán quyết.
Trong vụ án này, người dân mua cổ phần phải chờ cơ quan tố tụng xác minh, kê biên tài sản hiện có của bị can Nguyễn Ngọc Thủy, các bị can khác liên quan để thực hiện công tác khắc phục sau này.
"Người dân cũng nên hy vọng về việc cá nhân bị can Thủy có thể sẽ tác động cho người thân thực hiện công tác khắc phục thay", Luật sư Giáp nói.