Quà tặng cho “Ngày của mẹ” bắt đầu “nóng” Đại sứ Mỹ so sánh lễ Vu Lan Việt Nam với Ngày của Cha, Ngày của Mẹ ở Mỹ Những lời chúc và món quà ý nghĩa nhân Ngày của Mẹ |
Những hy sinh của các nữ vận động viên, những người vợ, người mẹ dành cho thể thao Việt Nam chưa bao giờ là một câu chuyện cũ. SEA Games 32 tiếp tục là nơi để chúng ta chứng kiến những câu chuyện như thế!
Họ thực sự là những tấm gương tuyệt vời về đức hy sinh, ý chí, nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh để cống hiến cho nền thể thao nước nhà, thể hiện tinh thần thể thao cao thượng, kiên cường, đóng góp lớn cho thành tựu rực rỡ của đoàn thể thao Việt Nam.
Điều đặc biệt đã đến với thể thao Việt Nam khi Nguyễn Thị Oanh đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi cô trở thành vận động viên đầu tiên giành được 4 Huy chương vàng tại đấu trường SEA Games.
Điều đặc biệt đã đến với thể thao Việt Nam khi Nguyễn Thị Oanh đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi cô trở thành vận động viên đầu tiên giành được 4 Huy chương vàng tại đấu trường SEA Games |
Đáng chú ý, tại SEA Games 32, việc giành hai Huy chương vàng ở hai nội dung là 1.500 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật thi đấu sát giờ chỉ cách nhau 20 phút, Nguyễn Thị Oanh đã gây “sốt” trên các diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam và cũng khiến các đối thủ ngã mũ thán phục. Tình yêu và quyết tâm "cháy" hết mình cho Tổ Quốc đã khiến cô gái này biến những điều không tưởng thành hiện thực.
"Cô gái vàng" điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh là con thứ 7 trong một gia đình thuần nông ở thôn Nhuần, xã Mỹ Hà (huyện Lạng Giang, Bắc Giang).
Bà Nguyễn Thị Hưởng - mẹ vận động viên Nguyễn Thị Oanh cho biết: "Chúng tôi luôn động viên ủng hộ con trên chặng đường đã lựa chọn. Dù con đạt được những thành tích cao nhưng chúng tôi không mong mỏi gì nhiều, chỉ biết động viên con cố gắng vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc”.
Có những thời điểm không thấy Oanh gọi điện về nhà, bà Hưởng lo lắng, nhưng không dám gọi sang Campuchia, sợ ảnh hưởng buổi luyện tập hay thi đấu của con. Bà lặng lẽ lên trang Facebook cá nhân của nữ vận động viên, để lại một lời nhắn: "Chúc mừng con gái yêu, thật tuyệt vời!".
Niềm vui, phấn khởi vỡ òa khi con gái liên tiếp giành huy chương vàng tại các nội dung thi tại SEA Games 32. "Cảm xúc của tôi là rất phấn khởi và tự hào khi con mình đã giành được những chiến thắng vẻ vang nhất đem về cho gia đình và đất nước. Là người cha, người mẹ chúng tôi luôn động viên, ủng hộ con trên con đường đã chọn. Với những thành tích con đạt được, chúng tôi không còn mong mỏi gì nhiều nữa, chỉ biết động viên con giữ sức khỏe để thi đấu nốt nội dung còn lại", bà Hưởng chia sẻ.
Trong căn nhà đơn sơ ở vùng quê, người phụ nữ U70 vẫn nâng niu, chăm chút chiếc tủ kính trưng bày hàng chục huy chương và bằng khen từ các giải trong và ngoài nước của Nguyễn Thị Oanh; giống như cách để vơi bớt nỗi nhớ con gái.
Nếu Nguyễn Thị Oanh tỏa sáng trên đường chạy cự ly dài, cự ly trung bình thì Nguyễn Thị Huyền được đánh giá là gương mặt bền bỉ nhất ở cự ly ngắn.
Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền giành Huy chương vàng 400 m rào nữ và khẳng định vị thế của đương kim vô địch Đông Nam Á. Đây là tấm huy chương thứ 3 của Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 32 và là huy chương Vàng thứ 13 của cô ở các kỳ SEA Games - một kỷ lục của Thể thao Việt Nam.
Với thành tích này, nữ vận động viên người Nam Định đã đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên giành nhiều huy chương Vàng điền kinh nhất lịch sử SEA Games.
Tại SEA Games 32, Nguyễn Thị Huyền giành Huy chương vàng 400 m rào nữ và khẳng định vị thế của đương kim vô địch Đông Nam Á. |
"Bà mẹ một con vô địch SEA Games" là câu nói trở nên quen thuộc với những người theo dõi điền kinh Việt Nam. Khoảng thời gian dài nghỉ thi đấu để sinh con không làm gián đoạn chuỗi chiến thắng của cô gái sinh năm 1993 ở đấu trường khu vực. “Trước khi tôi thi đấu, tôi thường xuyên hay xem video về con, gọi điện về cho con, nhìn ảnh con. Đó là động lực của tôi phải cố gắng lên để có thể về thăm con. Tôi có phải có thành tích đặc biệt để sau này con mình nhìn lại, khi lớn lên nhìn thấy mẹ có gì đó để thật tự hào về mẹ của mình”- Nguyễn Thị Huyền bày tỏ.
Những câu chuyện của Nguyễn Thị Oanh hay Nguyễn Thị Huyền chính là điển hình của sự hi sinh mà nữ giới phải trải qua khi đến với thể thao. Hy sinh về sắc vóc, về bổn phận làm con, về thiên chức làm mẹ. Những câu chuyện về họ cần được kể ra và nâng niu, trân quý - không phải vì riêng thành tích của họ, mà bởi sự hy sinh lặng lẽ họ đã trải qua với một tinh thần không lùi bước; điều không phải ai cũng làm được.
SEA Games 32 không chỉ có những nụ cười chiến thắng mà còn có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào của những người mẹ đã gạt sang một bên nỗi nhớ con để mang về những tấm huy chương đáng quý.
Vẫn còn nhiều những câu chuyện xúc động đằng sau những tấm huy chương ấy. Đó là sự hi sinh của các nữ vận động viên, huấn luyện viên trong cuộc sống gia đình, khi tạm gác lại vai trò làm vợ, làm mẹ, thậm chí không được ở bên người thân trong giây phút sinh ly tử biệt để hoàn thành nghĩa vụ thi đấu, mang về thành tích vinh quang cho đất nước.
Những tấm huy chương vàng của các nữ vận động SEA Games 32 là món quà ý nghĩa cho “Ngày của Mẹ” (ngày 14/5) hàm chứa nghĩa tri ân đấng sinh thành, dưỡng dục, người vun đắp cho hạnh phúc đời sau. Đồng thời, đây là dịp để tôn vinh những đóng góp, công lao của những người mẹ, người phụ nữ đối với gia đình và xã hội.
Mẹ, người đã hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc, nuôi nấng con cái khôn lớn, thành người. Ngày của Mẹ chính là cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn đến mẹ vì đã dưỡng dục, trông nom mình nên người. Mẹ có thể dành tặng những gì tốt đẹp nhất chúng ta, và chúng ta - những người con - cũng nên dành tặng những điều ý nghĩa cho mẹ. Quả thực, để có thể trao mẹ niềm hạnh phúc to lớn ấy, các nữ vận động viên đã nỗ lực không ngừng và luôn hướng về phía trước.
Có thể nói rằng, dù thành công hay thất bại, dù lập lỷ lục gia hay đơn thuần chỉ là vượt qua chính mình, các vận động viên cùng với "điểm tựa" to lớn của họ - là Mẹ, là gia đình, đã tạo nên một kỳ Đại hội SEA Games lần thứ 32 "trong mơ".