Tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết, chính sách về quản lý, sử dụng xe ô tô công hiện đang thực hiện theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, xe ô tô công có 3 loại gồm: Xe phục vụ chức danh được sử dụng phục vụ công tác của chức danh có hệ số phục cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; xe phục vụ công tác chung được sử dụng để phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị có lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên khi đi công tác; xe ô tô chuyên dùng được sử dụng cho các nhiệm vụ chuyên dùng đặc thù.
Cũng theo số liệu của Cục Quản lý công sản, cả nước hiện có 34.214 xe công trong đó xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc và xe chuyên dùng là 16.303 chiếc. Tính trung bình chi phí cho một xe công trong một năm là 320 triệu đồng.
Việc triển khai thực hiện quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg thời gian quan đã có tác động tích cực. Kết quả bước đầu cho thấy cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg cũng phát sinh một số vướng mắc. Tuy số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm, nhưng xe chuyên dùng có xu hướng tăng (khoảng 5.000 chiếc). Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị còn có quy định chưa phù hợp. Đặc biệt, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên còn ít chức danh đăng ký áp dụng, một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính “thăm dò”.
Theo ông Trần Đức Thắng, hiện Bộ Tài chính đã xây dựng xong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Một nội dung đáng chú ý của dự thảo Quyết định này là sẽ thực hiện khoán kinh phí đối với các chức danh được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác từ Thứ trưởng trở xuống (thứ trưởng và tương đương ở Trung ương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập).
Về quản lý sử dụng xe công tại doanh nghiệp, dự thảo mới cho biết, các chức danh (Chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc) trước đây được trang bị xe chức danh nay sẽ thực hiện khoán kinh phí đưa đón từ nhà đến nơi làm việc; khi đi công tác sẽ bố trí xe phục vụ công tác chung. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn kinh tế, Bộ, ngành, địa phương, theo quy định hiện hành, được trang bị 2 xe phục vụ đi công tác cho các chức danh Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương tại doanh nghiệp nhà nước. Nay, theo dự kiến trang bị tối đa 1 xe phục vụ công tác chung cho các chức danh này.
Dự thảo mới cũng đưa ra nhiều quy định về quản lý xe công tại các Ban Quản lý dự án. Theo đó, không sử dụng vốn vay để mua sắm xe ô tô của Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước. Ban Quản lý dự án kiêm nhiệm không được trang bị xe ô tô. Ban Quản lý dự án sử dụng nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) hoặc viện trợ không hoàn lại, khi đàm phán để ký kết hiệp định vay vốn ODA mà nhà tài trợ yêu cầu phải mua sắm xe ô tô phục vụ công tác quản lý cho Ban Quản lý dự án khác với quy định của Việt Nam để phục vụ công tác của Ban quản lý dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ký kết điều ước quốc tế cụ thể đó.
Giá mua xe ô tô và điều chỉnh giá mua xe ô tô cơ bản kế thừa quy định hiện hành. Riêng giá mua xe 2 cầu, dự kiến đề xuất tăng từ 1.040 triệu đồng lên 1.100 triệu đồng (tăng 60 triệu đồng/xe) để phù hợp với giá thị trường của chủng loại xe 2 cầu, đáp ứng được nhu cầu đi lại tại các địa bàn miền núi.
Về nguyên tắc xác định mức khoán kinh phí, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét 2 phương án. Phương án 1 đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6.500.000 đ/tháng; mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Với phương án 2, mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác, Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định. Có thể áp dụng đơn giá khoán là 16.000đ/km và được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20% hoặc quy định nguyên tắc xác định đơn giá khoán trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương. Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương quyết định. Việc áp dụng đơn giá 16.000đ/km tuy có cao hơn đơn giá taxi hiện hành song cũng cho phép tiết kiệm đến 50% của mức chi phí 320 triệu đồng cho một xe công trong 1 năm như hiện nay
Về phương án xử lý xe ô tô dôi dư, sẽ thực hiện bán chỉ định cho chức danh đang được trang bị xe (nếu có đề xuất). Theo phương án này thì tổng số xe phục vụ công tác chung giảm khoảng 42% so với số xe tại thời điểm Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực. Phương án khác là điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức; bán đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Phương án này sẽ cho phép tổng số xe phục vụ công tác chung giảm khoảng 62% so với số xe tại thời điểm Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực.
Cũng theo Bộ Tài chính, về phương thức mua sắm xe ô tô, tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với xe ô tô trong năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1756/VPCP-KTTH ngày 27/2/2017 của Văn phòng Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện mua sắm xe ô tô theo quy định của pháp luật về đấu thầu.