Báo cáo kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi cung cấp, sử dụng thông tin, ý thức, kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng.
Nhiều hội nghị tập huấn cho các nhà báo trong công tác thông tin, tuyên truyền, nhận diện các luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc trên mạng xã hội (Ảnh: Thu Hường) |
Trong đó, Bộ TTTT nhấn mạnh, cần phải kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tăng “sức đề kháng” của người dân trước thông tin xấu độc. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý báo chí, tăng cường thông tin kịp thời, khách quan, tích cực, hấp dẫn trên báo chí, phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả tuyên truyền của báo chí trên không gian mạng.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin.
Bộ này cũng đưa ra giải pháp đó là bổ sung các quy định nhằm hạn chế tối đa người dùng mạng xã hội cung cấp, phát tán thông tin, hình ảnh không đúng quy định của pháp luật; bổ sung quy định về xác thực số điện thoại di động đối với tài khoản mạng xã hội vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ.
Đặc biệt, tập trung tăng cường thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; đấu tranh chống các thông tin xấu, độc trên môi trường Internet.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống truyền thông đa phương tiện để phục vụ hoạt động truyền thông chính sách.
“Các cơ quan báo chí đóng vai trò nòng cốt, các trang thông tin điện tử, các tài khoản, kênh, trang cộng đồng trên các mạng xã hội lớn làm công cụ lan tỏa thông tin để tăng khả năng tiếp cận với người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ tuổi”- báo cáo của Bộ TTTT nêu rõ.
Báo cáo cũng khẳng định quyết tâm của Bộ TTTT trong việc xử lý quyết liệt, mạnh mẽ các trường hợp người dùng trong nước phát tán thông tin vi phạm; kiên quyết đấu tranh yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới (như Facebook, YouTube, TikTok…) phải ngăn chặn gỡ bỏ hình ảnh, thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch áp dụng biện pháp hạn chế sự xuất hiện, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người nổi tiếng trên báo chí, mạng xã hội nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok khi họ vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng. "Việc này để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ, góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm", báo cáo nêu.
Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tích cực, gương người tốt việc tốt, lan tỏa thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn truyền thống văn hóa, đạo đức, bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các lực lượng sẽ tăng cường phát hiện và xử lý thông tin vi phạm, chủ động rà soát phát hiện kịp thời nguồn phát tán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý đối với những người làm video để kiếm tiền.
Các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Google phải áp dụng rà quét, chặn lọc tự động quảng cáo trực tuyến vi phạm trên các nền tảng do họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thay vì gỡ thụ động như trước đây. Trong 9 tháng đầu năm, Facebook chặn gỡ 510 tài khoản, trang và 35 hội nhóm giả mạo, 6.725 bài viết, 78 tài khoản quảng cáo cờ bạc. TikTok đã chặn và gỡ bỏ 613 nội dung vi phạm. Các nền tảng xuyên biên giới đã thực hiện nghĩa vụ thuế với gần 3.500 tỷ đồng năm 2022 và 6.800 tỷ đồng năm 2023.
Được biết, theo đề xuất của Bộ TTTT về hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia, đến nay đã có 16 tỉnh, thành phố có Trung tâm xử lý tin giả, tin sai sự thật hoặc bộ phận xử lý tin giả theo hướng dẫn của Bộ TTTT. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận 7.789 phản ánh tin giả, trong đó có 2.332 tin có thể kiểm chứng; 1.255 tin phản ánh về tin xấu độc; 1461 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý …; 1.662 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng; đã công bố hơn 150 tin giả; 781 website lừa đảo, cờ bạc, vv…; hơn 50 website giả mạo doanh nghiệp; yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 553 tin giả, tin xấu độc; chặn gỡ hơn 1.500 tên miền cờ bạc. |