Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 được phát hành dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC), thực hiện bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP.
Buổi gặp gỡ báo chí công bố “Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022” |
Đây là một cơ sở dữ liệu thường niên uy tín, toàn diện, đa chiều, giúp cập nhật thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở Việt Nam cũng như các xu hướng đổi mới sáng tạo mở trên thế giới trong năm vừa qua.
Với chủ đề “Vùng đất Sáng tạo” - The InnoNation (kết hợp của Innovation và Nation), báo cáo mong muốn truyền tải khát vọng về một Việt Nam đổi mới sáng tạo, được kiến tạo bởi các “cư dân”, bao gồm công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện trường, các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Báo cáo là bức tranh toàn cảnh, nhịp cầu kết nối và thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp với các công ty khởi nghiệp; giúp khơi thông đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời, giúp Chính phủ cũng như chính quyền địa phương hoạch định chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả.
Được khởi động vào tháng 9/2022, đây là năm thứ hai Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam được tiến hành, để tiếp nối thành công của báo cáo năm 2021 nhằm mang đến bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở năng động tại Việt Nam.
Sau gần 4 tháng gấp rút thực hiện với nỗ lực thu thập thông tin không ngừng nghỉ, báo cáo đã hoàn thiện và sẽ được công bố chính thức trong Diễn đàn Đổi mới sáng tạo mở lần 2 thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (TECHFEST 2022) chiều ngày 2/12/2022, tại Bình Dương.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành của BambuUP cho biết, báo cáo năm 2022 sẽ đem đến các điểm nội dung đáng chú ý như: Cung cấp thông tin chuyên sâu và đa chiều về thực trạng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam theo các lĩnh vực và nhóm ngành kinh tế.
Đồng thời, phân tích về xu hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong 5 lĩnh vực trọng điểm: Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing); công nghệ tài chính và công nghệ bảo hiểm (Fintech & Insurtech); công nghệ nông nghiệp và thực phẩm (Agtech & Foodtech); công nghệ tiếp thị và bán hàng (Martech & Salestech); công nghệ Blockchain/Tokenomics/Metaverse.
Bên cạnh đó, khảo sát cơ bản về mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam; công bố những đề bài, thách thức của doanh nghiệp và tập đoàn lớn để mời gọi sáng kiến công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các công ty khởi nghiệp và toàn hệ sinh thái. Các doanh nghiệp tham gia gồm có: Rạng Đông, SUNHOUSE, OWEN, MASAN…
Đặc biệt, sẽ ra mắt các Bản đồ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của 43 lĩnh vực, được ghi danh bởi hơn 1500 công ty khởi nghiệp. “Phiên bản báo cáo năm 2022 có sự tham gia, đóng góp của đội ngũ ban cố vấn gồm 60 người với sự am hiểu sâu rộng trong từng lĩnh vực hoạt động cũng như trong đổi mới sáng tạo/đổi mới sáng tạo mở. Họ đều là chủ doanh nghiệp, nhà sáng lập, lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp cao, chuyên gia đầu ngành và Trưởng làng và đồng trưởng làng TECHFEST” - đại diện BambuUP nhấn mạnh.
Sự tham gia cung cấp thách thức đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp và hơn 1500 startup ghi danh trên các Bản đồ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã đánh dấu bước phát triển về đối tượng xây dựng. Báo cáo năm 2022 có sự tham gia đông đảo và sâu sắc hơn từ cộng đồng, từ nhiều cấu phần trong hệ sinh thái, bổ sung đối tượng tham gia xây dựng, cung cấp nhiều đánh giá, bình luận khách quan về cơ chế, thể chế, chính sách hay về cơ hội, thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Báo cáo được phát hành dưới hai định dạng là bản mềm và bản in, với 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn. Công chúng trên thế giới có thể dễ dàng tải xuống từ website của BambuUP hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, Quỹ đầu tư LOTTE Ventures Vietnam - đối tác toàn diện của báo cáo chính là đơn vị đồng tổ chức xuất bản và phát hành phiên bản tiếng Hàn của báo cáo tại Hàn Quốc.