Năm 2021, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 12%, đồng thời, giao chỉ tiêu tăng tín dụng đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hệ thống. Cụ thể, các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank được cấp hạn mức tăng trưởng từ 6,7 - 10,5%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hạn mức từ 8 - 12% tùy từng ngân hàng. Tuy nhiên, với việc duy trì mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã gắng gượng duy trì hoạt động và từng bước vượt qua khó khăn, dòng vốn ngân hàng vì thế cũng chảy mạnh hơn vào nền kinh tế.
Dòng vốn ngân hàng chảy mạnh hơn vào nền kinh tế |
Thông tin mới nhất từ NHNN cho thấy, đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). Dự kiến, đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng có thể đạt từ 5,5 - 6%. Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, NHNN đã phân bổ tín dụng ban đầu cho các ngân hàng và cơ quan quản lý vẫn đang điều hành trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có chiều hướng tăng và tăng trưởng tín dụng được đảm bảo an toàn… phương án nới “room” tín dụng sẽ được đặt ra.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại đã có mức tăng tín dụng gần chạm tới hạn mức được cấp của năm 2021. Đại diện NHNN cho biết, theo kiến nghị của các TCTD, NHNN đang tiến hành xem xét và đánh giá, trên cơ sở đó sẽ cấp thêm “room” tín dụng cho các ngân hàng đã cạn “room”. Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN - thông tin thêm, hiện đã có hơn 10 TCTD đã nộp đơn xin nới “room” tín dụng và NHNN sẽ xem xét trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN – cho biết, căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng TCTD, để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng linh hoạt. Trên thực tế, không chỉ xem xét cụ thể “sức khỏe” của từng ngân hàng để giao chỉ tiêu tăng tín dụng, cơ cấu tín dụng đã được NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Trong 6 tháng đầu năm nay, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế bao gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến, đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DN nhỏ và vừa tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Đối với lĩnh vực rủi ro, nguồn vốn đã được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN, có 3/4 lĩnh vực tăng trưởng so với cuối năm 2020; riêng tín dụng lĩnh vực BOT, BT giao thông tiếp tục giảm. Cụ thể, dư nợ lĩnh vực chứng khoán dự kiến đến cuối tháng 6 tăng khoảng 3% nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ (0,48%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực BĐS ước tăng 6%; dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông ước giảm 1,65%.
Phó Thống đốc NHNN ĐÀO MINH TÚ: NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế. Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh; đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc. |