Theo Bộ Công Thương, công nghiệp luôn là ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam. Cơ cấu xuất khẩu của các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ mức 46,7% năm 2000 lên 97,3% vào năm 2015, trong khi nhóm ngành khoáng sản giảm liên tục, từ 22% năm 2007 xuống còn 7,7% vào năm 2010 và 2,7% năm 2015. Những năm gần đây, các ngành như: Điện tử, dệt may và da giày đã trở thành 3 ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế với tỷ trọng chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, nhiều ngành công nghiệp chủ yếu, trọng điểm vẫn chưa có sức bật mạnh mẽ, phát triển tương xứng với tiềm năng của đất nước, thậm chí còn có phần sụt giảm bởi sức cạnh tranh yếu. Trong đó, chủ yếu là ngành sản xuất thô, có tính gia công cao và chưa mang lại nhiều gia trị gia tăng cho đất nước và thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng như công nghiệp hỗ trợ.
Sản xuất công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế |
Đã có nhiều hội thảo, hội nghị bàn luận về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ yếu trong bối cảnh hội nhập, song vẫn chưa có một nghiên cứu hay báo cáo tổng thể về lĩnh vực này. Đặc biệt, chưa có bộ chỉ số, tiêu chí toàn diện, tiên tiến để làm cơ sở đánh giá, cũng như đưa ra mục tiêu, giải pháp phát triển trong tương lai.
Tại cuộc hội thảo về ngành công nghiệp chủ yếu của TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, chương trình lựa chọn nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố đã có từ lâu song kết quả chưa như mong muốn vì thiếu tiêu chí đánh giá cũng như giải pháp hỗ trợ. Do đó, khi xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để đưa ra tiêu chí xét chọn phù hợp thực tiễn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng tiêu chí và hệ thống thông tin dữ liệu cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực cần thiết và cấp bách, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số đang hiện hữu. Từ đó, mới có cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp và tăng năng lực cạnh tranh cho từng sản phẩm/nhóm sản phẩm.
Để góp phần khắc phục những tồn tại nêu trên, tạo động lực mới cho các ngành công nghiệp chủ yếu phát triển bền vững, Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đã đề xuất, trình Bộ, Chính phủ cho phép thực hiện Đề án "Đánh giá năng lực cạnh tranh các ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam". Trong đó, có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng được cơ sở phương pháp luận về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh và thiết lập được bộ chỉ số định lượng (mang tính mở), bảng xếp hạng được sử dụng để phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ yếu; xây dựng được khung hệ thống cơ sở dữ liệu, mô hình tính toán các chỉ số và tích hợp được hệ thống công nghệ thông tin…; hình thành khung báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh, hệ thống bảng biểu, số liệu và thông tin cơ bản cho xây dựng báo cáo đánh giá hàng năm.
Nếu bộ chỉ số đánh giá về năng lực cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp chủ yếu sớm hoàn thiện sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chiến lược do Chính phủ đề ra.
Đề án "Đánh giá năng lực cạnh tranh các ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam" được thực hiện trên toàn quốc trong vòng 3 năm, từ ngày 1/1/2018 đến 30/12/2020, xác định khoảng 5-7 ngành công nghiệp chủ yếu. |