Ảnh minh họa |
Theo nhận định của Tổng cục Thuế, Việt Nam đang trong giai đoạn chủ động mở cửa nền kinh tế; các doanh nghiệp hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đóng góp tích cực thu hút nguồn FDI. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, các hành vi gian lận thuế của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp FDI phát sinh rất đa dạng, tinh vi và phức tạp nhất là hành vi gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng. Những hành vi này làm giảm số thu về thuế, gây thất thu cho ngân sách.
Thực tế, hoạt động chuyển giá nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp tại Việt Nam luôn “biến tướng” với nhiều chiêu trò mới. Doanh nghiệp FDI chuyển giá bằng cách kê khai giá thấp hơn so với thị trường, so với giá bán thực tế; chuyển giá thông qua góp vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ; vật liệu, hàng hóa và cung cấp dịch vụ; thông qua chi phí trả lãi vay vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh… Thậm chí, có doanh nghiệp còn thực hiện chuyển giá bằng cách tính khấu hao thiết bị, máy móc lớn khiến giá thành sản phẩm cao, dẫn đến thua lỗ triền miên... Một “kịch bản” không mới nhưng vẫn hữu dụng, đó là lợi dụng chính sách thuế. Doanh nghiệp FDI sau khi hết thời gian được hưởng ưu đãi đã thành lập công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn để được hưởng chính sách ưu đãi thuế theo diện mở rộng sản xuất.
Nhằm hạn chế tình trạng này, ngay từ năm 2012, ngành Thuế đã thành lập Tổ Quản lý giá chuyển nhượng. Tuy có nhiều nỗ lực song hoạt động của Tổ quản lý giá chuyển nhượng chỉ mang tính kiêm nhiệm. Sự ra đời của một lực lượng chuyên trách, độc lập để tiếp tục triển khai toàn bộ các nội dung liên quan đến quản lý thuế đối với giao dịch liên kết là hết sức cần thiết. Do đó, việc thành lập các phòng thanh tra giá chuyển nhượng được coi như tạo dựng “đội đặc nhiệm” chống hiện tượng chuyển giá lâu nay.
Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận: Việc buộc tội trốn thuế đối với doanh nghiệp FDI (dù phát hiện nghi vấn chuyển giá) không phải dễ dàng. Họ không trốn thuế công khai mà lợi dụng sơ hở trong chính sách thu hút FDI, quy định pháp luật về thuế của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khuyến cáo: Phải rà soát việc khai báo giá trị tài sản (thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu…) đưa vào Việt Nam, loại trừ dần tình trạng doanh nghiệp FDI khai giá cao gấp hàng chục lần để hạch toán lỗ. |