VIDEO: Biểu cảm thất vọng toàn tập của Ronaldo khi Al Nassr thua trận VIDEO: Cristiano Ronaldo kẹp cổ quật ngã đối phương và cái kết đắng |
Lúc đầu thì người ta cười nhạo CR7 vì phát biểu hoang tưởng và sặc sụa mùi tiền quảng cáo. Thế nhưng nhìn những gì mà Saudi Arabia đang làm loạn TTCN mới thấy, SPL đâu có nói chơi.
Saudi Pro League có thể thức như thế nào?
Mùa giải 1976/77, hạng đấu cao nhất của Saudi Arabia được manh nha bắt đầu. Thế nhưng phải đến tận mùa giải 1989/90 thì SPL – Saudi Pro League mới chính thức được hình thành sau khi Liên đoàn bóng đá quốc gia này quyết định hợp nhất các giải đấu trong nước lại với nhau.
Cho đến tận mùa 2007/08 thì thể thức thi đấu như hiện tại mới được bắt đầu. Trong đó SPL bao gồm tổng cộng 16 đội, các đội sẽ đá vòng tròn 2 lượt để chọn ra đội vô địch và đội xuống hạng. Quy tắc phân định thứ hạng sẽ lần lượt là điểm số, thành tích đối đầu và hiệu số phụ.
Saudi Pro League là một giải đấu được tài trợ rất lớn |
3 đội xếp dưới cùng trên bảng xếp hạng SPL sẽ phải xuống chơi tại giải hạng Nhất. Ngược lại 3 đội dẫn đầu bảng giải hạng Nhất sẽ giành vé thăng hạng lên chơi tại SPL.
Hiện tại, Al-Hilal đang là đội bóng giàu thành tích nhất tại SPL với 18 chức vô địch, mùa giải gần nhất mà câu lạc bộ này đăng quang là mùa 2021/22.
SPL – Giải đấu dưỡng già mới quy tụ những ngôi sao khủng
Có một nhận định từng được đưa ra, rằng với những nền bóng đá ở vùng trũng thì cách nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách với nhóm tinh hoa chính là vung tiền mua siêu sao.
Tất nhiên trước SPL thì một giải đấu cũng từng gây náo loạn cả châu Âu khi làm việc này đó là Trung Quốc. Giải đấu tới từ châu Á không tiếc tiền để x2, x3 tiền lương cho các cầu thủ đồng ý tới đại lục chơi bóng.
Chủ tịch UEFA, Ceferin thời gian qua cũng không tỏ ra bất ngờ khi SPL rộ lên làn sóng “nhập khẩu” cầu thủ. Người đứng đâu của UEFA cho biết thêm, rằng “Tôi không hề lo lắng về việc một lượng lớn cầu thủ rời bỏ châu Âu để tới với SPL. Tại sao đó lại là vấn đề với họ? Bởi vì họ cần cầu tư vào các học viện, tìm kiếm các huấn luyện viên hàng đầu và phát triển nhóm cầu thủ của riêng mình.
Việc mang về những cầu thủ gần như đã ở giai đoạn cuối sự nghiệp không phải là một hệ thống đúng đắn trong phát triển bóng đá. Sai lầm tương tự ở Trung Quốc vẫn còn đó. Hãy thử kể cho tôi nghe một cầu thủ hàng đầu, ở độ tuổi sung sức nhất và đến chơi bóng ở SPL đi? Bóng đá không chỉ là tiền. Các cầu thủ muốn giành chiến thắng ở các giải đấu hàng đầu. Và sự cạnh tranh hàng đầu đó là ở châu Âu”.
Ronaldo là "phát súng" đầu tiên của SPL |
SPL thì không đếm xỉa tới những lời coi thường đó, họ vẫn đang từng bước gặt được thành công mà không phải một nền bóng đá nào ngoài châu Âu dám nghĩ tới. Phát pháo đầu tiên và cũng là phát pháo lớn nhất mang tên Ronaldo gia nhập Al Nassr. Nên nhớ trong lịch sử, chưa từng có siêu sao đẳng cấp hàng đầu như vậy tới chơi tại một giải đấu châu Á. 5 Quả bóng vàng, nhà vô địch EURO 2016, nhà vô địch Champions League cùng kỷ lục ghi bàn nhiều nhất lịch sử,… tới SPL thì không phải là chuyện xoàng.
Đành rằng việc Ronaldo tới với SPL phần nhiều là khiên cưỡng, thế nhưng không thể nào phủ nhận được hiệu ứng mà siêu sao người Bồ mang lại. Từ truyền thông tới giá trị thương hiệu giải đấu, mọi thứ như được nâng tầm đáng kể.
Thế nhưng Ronaldo mới chỉ là viên gạch hồng đầu tiên mở đường cho làn sóng siêu sao gia nhập SPL. Lionel Messi sau những lời mời gọi ngập ngụa tiền từ Ả rập đã quyết định tới Mỹ. Nhưng Karim Benzema thì không, anh chấp nhận việc rời Real Madrid để tới Al-Hilal của SPL và đút túi 400 triệu euro với 2 năm hợp đồng.
Al-Hilal sau đó không hề dừng lại, họ kích nổ tiếp bom tấn Ruben Neves của Wolves với mức phí 55 triệu euro. Có một điều cần phải lưu ý, đó kỷ lục trước đó của SPL là chiêu mộ Matheus Pereira từ West Brom với giá 18 triệu euro vào hè 2021. 2 năm sau, SPL đi từ Pereira tới kỷ lục 55 triệu euro của Ruben Neves và xa hơn là Ronaldo, Benzema.
Chưa hết, Kalidou Koulibaly được xác nhận đã đạt thỏa thuận tới Al-Hilal chơi bóng và chỉ còn chờ chốt giá chuyển nhượng với Chelsea. Tiếp tục, Al-Nassr cũng được xác nhận việc tiếp cận Hakim Ziyech và đạt thỏa thuận cá nhân với cầu thủ này để biến anh thành đối tác hàng công với Ronaldo.
Benzema là ngôi sao kế tiếp gia nhập SPL |
Một cái tên khác của Chelsea là thủ thành Edouard Mendy, nhà vô địch Champions League 2021 cũng chuẩn bị gia nhập Al-Ahli. Trước đó, Romelu Lukaku cũng được Al-Ahli mời gọi với mức lương 20 triệu euro mỗi năm, gấp đôi những gì đang nhận. Thế nhưng Lukaku “chê” và nói rằng anh chỉ muốn đá cho Inter bất chấp vẫn đang thuộc biên chế Chelsea, tương lai là do Chelsea quyết.
Tính tới hiện tại, N’Golo Kante là cầu thủ Chelsea đầu tiên gia nhập SPL khi mà mọi thỏa thuận đã hoàn tất. Tiền vệ người Pháp đang đếm ngày trở thành đồng đội với Benzema trong màu áo nhà đương kim vô địch của giải đấu.
Ai đứng sau các CLB Saudi Pro League?
UEFA đương nhiên là không thể có thiện cảm với bóng đá Saudi Arabia vì cái gọi là “thiếu minh mạch tài chính” và không ai biết được chính xác ông chủ thực sự của các CLB là ai.
Hiện tại, chỉ có thể xác nhận được một thông tin là Quỹ đầu tư công Ả rập (viết tắt là PIF) đã sở hữu 75% cổ phần của 4 CLB hàng đầu tại giải SPL bao gồm: Al-Nassr, Al-Ahli, Al-Hilal và Al-Ittihad.
Điều này đặt ra một vấn đề nhức nhối đó là một giải đấu mà nhiều CLB cùng thuộc một chủ sở hữu hoặc có những sự liên kết với nhau thì tính chính thống cũng như nghiêm thúc thực sự là một dấu hỏi.
Một vài thông tin được lan truyền còn khẳng định, việc các CLB tại SPL sẵn sàng chi cả núi tiền đề mua sắm ngôi sao còn phục vụ nhiều mục đích ngầm khác chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện bóng đá.
Sau Benzema và Kante, loạt ngôi sao châu Âu sẽ đổ bộ SPL |
2023 và bóng đá châu Âu lại được phen náo loạn sau “cơn điên” của Trung Quốc năm nào. Các cầu thủ cả kể đã qua thời sung sức hay đang đạt đỉnh cao cũng đều bị chèo kéo bởi những đồng đô-la từ Saudi Arabia.
Nếu điều này được duy trì đều đặn nhiều năm nữa thì rõ ràng việc SPL chen chân trở thành 1 trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới cũng không phải điều ngoa ngoắt gì. Hơn nữa túi tiền của Saudi Arabia không “lỏng” và “xổi” như Trung Quốc, họ sẵn sàng “bốc” ra cả núi đô-la từ cái túi không đáy ấy và phải can đảm lắm mới có thể khước từ sự hấp dẫn ấy. Điều này thì còn phải chờ xem các cầu thủ phản ứng thế nào và UEFA dù không lo ngại nhưng chắc hẳn cũng không muốn "chảy máu" cầu thủ tài năng chút nào.