Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 4/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ nhất, đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 - lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Hoàng Anh - đoàn Gia Lai cho biết, nhiều cử tri đánh giá rất cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số…
Tuy nhiên, cũng vì thế, Bộ chưa quan tâm tập trung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội nên để các vụ việc xảy ra thì mới tiến hành thanh tra, kiểm tra, dẫn đến báo hóa mạng xã hội và mạng xã hội thì hóa báo, cũng như còn lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng trong việc thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân vì sao lại như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào? Và cơ quan có thẩm quyền của Bộ đã xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao? Bộ có rút kinh nghiệm gì về việc trên?
Trước băn khoăn của đại biểu "Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua vì say sưa công nghệ, liệu có quên mất mảng quản lý nhà nước, mảng thế chế hay không", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chúng tôi lúc nào cũng coi thể chế là đầu tiên, số một.
Vừa qua, mặc dù có một số vấn đề thể chế đi sau, ví dụ như xử lý vụ livestream của Nguyễn Phương Hằng, là do lúc đó chúng ta chưa có quy định pháp luật về chuyện quản lý hành vi livestream như thế nào. Vì vậy, xử lý vụ việc này phải theo những thể chế cũ, xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan hình sự và hiện nay công an đang xử lý.
Sau vụ việc này, Bộ đã đưa vào Nghị định 72, quy định rất rõ về hoạt động livestream. Theo đó, chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream; thứ hai, đã livestream thì phải có công bố địa điểm, thời gian; thứ ba, nếu như dùng livestream để bán hàng có thu, phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.
Tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Lê Hoàng Anh cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời những vấn đề mà ông đặt ra về quản lý mạng xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn: Vì sao lại xảy ra tình trạng báo hóa mạng xã hội và chậm, lúng túng trong việc xử lý vụ việc vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên lĩnh vực mạng xã hội; trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân trong cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra tình trạng như vậy. Bộ rút kinh nghiệm về việc này như thế nào?
Theo đại biểu đoàn Gia Lai, lật lại một số vụ việc, mà cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông đã xử lý về việc vi phạm trên mạng xã hội, nhận thấy các cơ quan xử lý rất nhanh, không như Bộ trưởng nói rằng, do thiếu hành lang pháp lý khi vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng xảy ra.
"Như vậy, phải chăng những người vi phạm ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau. Xin Bộ trưởng cho biết thêm về việc này" - đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, về báo hóa tạp chí khi chúng ta ra Luật Báo chí cũng chưa có khái niệm này, trong đó, mới đề cập đến tạp chí và báo và phần viết về tạp chí cũng chỉ viết chuyên ngành và định kỳ.
Theo Bộ trưởng, có những diễn biến khi đi vào cuộc sống mới nảy sinh, lúc đó chúng ta mới ứng xử. Vậy ứng xử như vậy, có chậm không? "Đến năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành và công khai bộ nhận dạng thế nào là báo hóa tạp chí, nhưng thực sự có những diễn biến cuộc sống lúc đó mới chín, mới nhìn thấy, mới tường minh và lúc đấy mới công bố được và mới bắt tay vào xử lý. Còn chậm không thì so với mong muốn của chúng ta chắc chắn chậm" - Bộ trưởng chia sẻ.
Về chuyện xử lý trách nhiệm của các đơn vị trong Bộ, hay các đơn vị cá nhân trước vấn đề trên, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, điều này thực sự khó với chính ông. "Tôi xin nhận trách nhiệm này và tôi nghĩ tôi cũng là người chịu trách nhiệm chính" - Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng mong các đại biểu thông cảm cho chuyện, cuộc sống diễn biến và chúng ta khi quản lý nhà nước phải tường minh, như Tổng Bí thư đã nói, cái gì chín, rõ, đồng thuận thì mới đưa vào luật, còn những gì chưa rõ lại thí điểm, xem xét, cân nhắc.
Quản lý nhà nước phải "chắc tay" mới làm được, quản lý mà chưa "chắc tay" rất khó làm. Khi Nguyễn Phương Hằng livestream, lúc đó là công nghệ hoàn toàn mới, tất cả thể chế chúng ta chưa có quy định về việc này, thì chúng ta dùng những hình thức khác để xử lý, phạt hành chính, sau đó chuyển cơ quan công an. Bây giờ đưa vào nghị định, chắc chắn chúng ta xử lý rất gọn gàng, và quy định rất rõ.
Còn chuyện đại biểu đề cập "những người vi phạm ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền sẽ chậm...", Bộ trưởng khẳng định, các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông không có việc này.