Xung quanh câu chuyện 'hồi sinh' dự án nhà máy ô tô và tận thu 5,5 triệu m3 đất Vì sao tỉnh Thanh Hóa chưa chấp thuận điều chỉnh khai thác mỏ đất san lấp và tận thu đá silic? |
Sáng ngày 11/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang vừa ký Giấy phép khai thác khoáng sản số 162/GP-UBND, cho Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến (địa chỉ: Ki ốt số 1 đường Nguyễn Trãi, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất làm vật liệu san lấp) trong diện tích Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã: Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (tiền thân là dự án nhà máy Vinaxuki của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa).
Sau nhiều lùm xùm, doanh nghiệp đã được tận thu đất tại dự án nhà máy Vinaxuki. Ảnh: Quốc Huy |
Cụ thể, diện tích khu vực khai thác 12,8ha; khối lượng khoáng sản được khai thác: 476.429 m3 đất làm vật liệu san lấp; phương pháp khai thác lộ thiên; thời hạn khai thác đến ngày 27/01/2025.
Mục đích sử dụng khoáng sản là làm vật liệu san lấp, trong đó ưu tiên cung cấp cho các công trình, dự án trên địa bàn huyện Hậu Lộc và các dự án, công trình có liên quan (theo hợp đồng Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến ký với các đơn vị có nhu cầu sử dụng nguồn đất thừa nêu trên đảm bảo theo quy định).
Trước khi tiến hành khai thác, Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến phải cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác. Trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan về an toàn trong khai thác khoáng sản.
Doanh nghiệp được phép khai thác gần 500m3 đất đến cuối tháng 1/2025. Ảnh: Quốc Huy |
Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, chế biến, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời và báo cáo ngày bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến chỉ được phép tiến hành khai thác sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Giấy phép này; nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa hồ sơ thiết kế khai thác khoáng sản tại khu vực của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đăng ký ngày hoạt động sản xuất kinh doanh, kế hoạch khai thác, chế biến tại cơ quan chức năng của nhà nước theo quy định.
Trước đó, ngày 29/8/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án khai thác khoáng sản đất san lấp ở khu vực thực hiện dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc của Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến.
Tổng lượng đất cần tận thu ở dự án này là một con số khủng. Ảnh: Quốc Huy |
Vậy là sau nhiều lùm xùm về động cơ, mục đích đằng sau việc nhận dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng tại các xã: Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (tiền thân là dự án nhà máy Vinaxuki của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa); doanh nghiệp đã được cấp phép tận thu đất theo đúng đề xuất.
Như Báo Công Thương đã đưa tin, sau khi Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu nhận lại dự án trên, UBND tỉnh Thanh Hóa cho doanh nghiệp này thuê đất vào năm 2021; đến ngày 9/10/2023, UBND huyện Hậu Lộc đã cấp giấy phép xây dựng số 53/GPXD; trong đó hạng mục san nền có khối lượng đất đào cần vận chuyển ra khỏi dự án là hơn 5,5 triệu m3 đất.
So sánh với số liệu, tỉnh Thanh Hóa hiện đã cấp 45 giấy phép với công suất khai thác khoảng 4,55 triệu m3/năm và từ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 34 mỏ đất san lấp với trữ lượng dự báo chỉ khoảng 55,6 triệu m3 thì 5,5 triệu m3 cần tận thu tại dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng của Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thực sự là một “con số khủng”, hơn cả công suất khai thác 1 năm của cả tỉnh Thanh Hóa. Với khối lượng đất nói trên, nếu được đưa ra đấu giá công khai, sẽ thu về nguồn ngân sách rất lớn cho địa phương.