Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh Giá thức ăn chăn nuôi đón “sóng” mới |
Hàng loạt các doanh nghiệp thông báo tăng giá
Theo thông tin từ các đại lý bán thức ăn chăn nuôi, các công ty sản xuất kinh doanh đã gửi thông báo tăng tiếp giá thức ăn chăn nuôi dành cho lợn khoảng 400 đồng/kg từ ngày 1/5.
Cụ thể, trong thông báo gửi đến khách hàng, Công ty MNS Feed cho biết, đã cho tăng 300 đồng/kg đến 500 đồng/kg thức ăn chăn nuôi (cám) kể từ ngày 1/5, áp dụng cho khu vực miền Nam. Tương tự, Công ty De Heus đã tăng 300 đồng/kg đến 400 đồng/kg đối với hầu hết loại cám kể từ đầu tháng 5/2022, áp dụng từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Giá thức ăn chăn nuôi được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới |
Hàng loạt doanh nghiệp như Emivest Feedmill (Tiền Giang), Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long), Công ty CJ Vina Agri... cũng thông báo tăng 300 đồng/kg đến 400 đồng/kg cho hầu hết sản phẩm cám kể từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 này.
Như vậy, đây đã là lần tăng giá thứ 13 đến 14 của nhiều doanh nghiệp kể từ cuối năm 2020 đến nay, trong đó lần gần nhất là đầu tháng 4/2022. Còn kể từ đầu năm 2022 đến ngày 1/5, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng 4 lần.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho hay, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thông báo tăng giá với mỗi lần tăng từ 300 đồng/kg đến 400 đồng/kg, nhưng mức giá tăng 300 đồng/kg lại dành cho những thức ăn rất ít sử dụng.
Cũng theo ông Đoán, mức tăng 400 đồng/kg tương đương với 10.000 đồng/1 bao cám và với mức tăng 4 lần như vậy thì có nghĩa mỗi bao cám tăng 40.000 đồng.
Để nuôi lợn thịt đạt trên dưới 100kg/con, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng), điều này có nghĩa 1 tạ lợn hơi người chăn nuôi đã đội thêm 400.000 đồng tiền cám, ngoài ra các chi phí khác tối thiểu phải cộng thêm 10% giá trị của con lợn nữa. Như vậy, chi phí nuôi mỗi con lợn sẽ phải cộng thêm khoảng tầm 200.000 đồng.
Trong khi đó, với giá lợn hơi hiện nay trung bình khoảng 55.000 đồng/kg sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu người chăn nuôi chủ động được con giống mà không phải mua thì mức giá lợn hơi hiện nay chỉ tương đương với giá thành sản xuất. Tuy nhiên, nếu người chăn nuôi phải mua con giống thì sẽ lỗ vốn.
Tương tự, nhiều hộ nuôi gà cho biết, giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp (lông trắng) ở mức cao, hiện phổ biến 27.000 đồng/kg đến 28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu gặp rủi ro dịch bệnh. Theo ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, rất nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thường thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.
Hạ giá thành - bài toán không dễ
Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn chăn nuôi đang là chi phí lớn nhất. Ông Nguyễn Kim Đoán cho hay, với mức tính toán lúc trước thì chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành sản xuất, tuy nhiên, với mức tăng giá như hiện nay, thì thức ăn chăn nuôi cấu thành giá thành sản xuất tương đương 80%.
Trước việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi đối diện với tình trạng thua lỗ, ngày càng nhiều người nuôi nhỏ lẻ ngưng tái đàn. Việc hạ giá thành sản phẩm trong đó có giá thức ăn chăn nuôi là bài toán không dễ giải.
Đối với các giải pháp tận dụng thức ăn, ông Đoán cho rằng, việc này chỉ có thể áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 3 con đến 5 con lợn. Còn với những hộ nuôi từ 50 con đến 100 con lợn trở lên thì không thể nói đến việc sử dụng thức ăn tận dụng được. “Ví dụ, tiêu chuẩn 1 con lợn ăn ngày 2,5 kg thức ăn, nếu bớt xuống 2 kg thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chậm lớn. Hay việc tiết kiệm chi phí vắc xin chẳng hạn, sau đó, dịch bệnh nổ ra thì sẽ rất nguy hiểm cho cả đàn vật nuôi”, ông Đoán cho biết.
Hiện, người chăn nuôi gia súc, gia cầm đang đối diện với 2 khó khăn rất lớn, vừa thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi tăng, mặt khác, dịch bệnh trên gia súc gia cầm đe dọa rất nghiêm trọng, do đó, người chăn nuôi không thể có lời. Việc này dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ đàn.
Câu hỏi đặt ra tại sao nông dân nuôi không có lời mà doanh nghiệp chăn nuôi vẫn phát triển? Ở đây, là do doanh nghiệp có các chuỗi sản xuất của họ và chủ động được con giống. Đây là một ưu thế. Bên cạnh đó, họ sản xuất được thức ăn. Ít nhất cấu thành giá thành thức ăn của họ tính theo lý thuyết đã giảm được 10% từ thuế VAT, chưa kể, sản xuất thức ăn chăn nuôi họ đã có lời trong đó. Mặt khác, doanh nghiệp có chuỗi thu mua, giết mổ nội bộ - đây là khâu thu lời lớn nhất. Do đó, trong chuỗi này, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn họ lãi ở tất cả các khâu. Vì vậy, họ vẫn tồn tại được.
Ông Đoán cũng cho biết thêm, bản thân các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng không muốn tăng giá bán vì việc này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hoặc nếu có tăng lên thì sẽ bị các cơ quan chức năng can thiệp vào không cho giá lợn hơi tăng.
Mặt khác, với mức giá bán hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi đã thu được lợi nhuận, họ cũng không muốn giá bán lợn hơi tăng lên, bởi việc này sẽ kéo nhiều người chăn nuôi tham gia và cạnh tranh trực tiếp với thị phần của các doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó, nông dân chỉ biết chăn nuôi rồi bán thông qua thương lái để tiêu thụ, qua nhiều khâu, giảm lợi nhuận. Mặt khác, họ phải bán theo giá thị trường mà ở đây do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn dẫn dắt.
Nhận định về thị trường thức ăn nuôi trong thời gian tới, ông Đoán cho hay, dịch Covid-19 khiến chi phí logistics của Việt Nam tăng cao. Bên cạnh đó, chiến sự Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi thế giới do Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% khối lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu và 19% xuất khẩu ngô. Trong niên vụ sắp tới, những vùng bị tàn phá do chiến sự Nga và Ukraine thì người nông dân trồng trọt tại đây họ cũng sẽ không tiếp tục sản xuất được.
Trong khi đó, một số nước khác cũng hạn chế bán ra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do đó, chắc chắn, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng trong thời gian tới. “Thông tin chúng tôi được biết dù chưa xác nhận chính xác, trong khoảng 15 ngày nữa sẽ có đợt tăng giá mới”, ông Đoán cho biết.
“Giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ thiết lập 1 mặt bằng giá mới nhưng giá đầu ra sản phẩm có thể sẽ không thiết lập một mặt bằng giá mới. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không muốn tăng giá, bởi việc tăng giá khiến người chăn nuôi nhỏ sẽ chăn nuôi ồ ạt trở lại và cạnh tranh trực tiếp với họ”, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết thêm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm, nhập khẩu nhóm đầu vào sản xuất ước gần 2,4 tỷ USD, tăng 4,0%, trong đó, riêng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt gần 1,5 tỷ USD, giảm 11,9%. |