Sạt lở bủa vây
Theo kết quả thống kê gần đây của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có 743 điểm sạt lở, gồm bờ sông 686 điểm, dài 591km; bờ biển 57 điểm, dài 203km.
Việc sạt lở ở Ðồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy. Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, nhưng lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về Ðồng bằng sông Cửu Long sụt giảm càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo đó, trước đây lượng phù sa về Ðồng bằng sông Cửu Long 150-160 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa hiện tại chỉ còn 25-35% so với trước đây và trong tương lai có thể tiếp tục giảm, còn dưới 10% khi các đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh được xây dựng. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển hạ tầng ven sông; khai thác nước ngầm, phương tiện giao thông thủy di chuyển cũng là các yếu tố khiến sạt lở bờ sông thêm trầm trọng
Một điểm sạt lở tại tỉnh Kiên Giang (Ảnh: CTV). |
Thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ sạt lở bờ sông đã xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tỉnh phải công bố tình huống sạt lở bờ sông khẩn cấp.
Tại Bạc Liêu, Đoàn công tác của UBND tỉnh do ông Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã đến kiểm tra tình hình sạt lở tuyến đê biển Đông trên địa bàn TP. Bạc Liêu, đoạn giáp ranh Bạc Liêu - Sóc Trăng.
Khảo sát tại vị trí sạt lở, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng chiều dài sạt lở là hơn 100m. Nguyên nhân được ngành chức năng xác định do rừng phòng hộ tại vị trí bờ biển trước đoạn đê này đã mất nên sóng đánh trực tiếp vào đê, gây ra sạt lở. Trong các ngày tới, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, tình hình sạt lở đê được dự đoán sẽ ngày càng nhiều hơn.
Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng TP. Bạc Liêu khẩn trương đề xuất, báo cáo UBND tỉnh có giải pháp cấp bách để khắc phục. Ngoài ra, TP. Bạc Liêu tăng cường kiểm tra, giám sát tuyến đê trên địa bàn, nắm chặt chẽ diễn biến, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh những điểm có nguy cơ sạt lở.
Cảnh báo tình trạng sạt lở tăng mạnh
Từ nay đến cuối năm, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bước vào cao điểm mùa mưa lũ, cũng là mùa cao điểm sạt lở. Năm nay dưới tác động của hiện tượng khí quyển đại dương chuyển từ pha Elnino sang Lanina nên thời tiết sẽ mưa nhiều, tổng lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 11 phổ biến ở mức cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trời mưa nhiều, đất càng bở rời, kết dính kém; cộng với lũ về, dòng chảy trên các sông tăng cao, chảy mạnh sẽ khiến tình trạng sụt lún, sạt lở đất gia tăng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong những tháng cuối năm nay.
Công trình kè phòng, chống sạt lở bờ biển ở tỉnh Kiên Giang (Ảnh: CTV). |
Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, bờ biển Kiên Giang cũng là nơi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó lường.
Nhiều năm qua, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư nhiều dự án quan trọng như hệ thống cống ven biển, cống phân vùng sản xuất và xây dựng kè phá sóng, gây bồi tạo bãi, trồng rừng phòng hộ bảo vệ tuyến đê ven biển, vừa ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng sạt lở, vừa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế ven biển.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống sạt lở bờ biển, tỉnh đã đầu tư 5 dự án quan trọng trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư các dự án thủy lợi khác trong thời gian tới để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm sinh kế của nhân dân.
Theo các chuyên gia, nhằm ứng phó với hiện tượng sụt lún, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Cộng đồng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp "3 không, 1 hạn chế". Đó là không xây dựng, nâng cấp nhà cửa sát bờ sông và trên lòng sông kênh rạch; không khai thác trái phép cát trên sông; không chặt phá rừng ngập mặn ven biển. Còn về hạn chế, cần hạn chế các phương tiện giao thông thủy đi với tốc độ cao trên sông, tạo sóng lớn tác động vào ven bờ gây sạt lở. |