Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trong những năm vừa qua, dịch vụ logistics tại Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam đặt ra nhu cầu rất cao đối với nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, cả về số lượng và chất lượng.
Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng trong phát triển dịch vụ logistics. Đặc biệt, về lâu dài nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực logistics ở Việt Nam còn một số hạn chế, từ nhận thức chưa đồng đều của các trường cũng như xã hội, đội ngũ giảng viên còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản, hệ thống giáo trình chưa được chuẩn hóa, tính kết nối với doanh nghiệp còn thấp…
Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam được hình thành từ cuối năm 2017 nhằm đẩy mạnh liên kết giữa các trường, khắc phục những điểm hạn chế trên. Cho đến nay, mạng lưới đã có sự tham gia của hơn 50 trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo ngắn hạn trên cả nước. Mạng lưới đã tổ chức được một số buổi hội thảo, tọa đàm, các chuyến khảo sát thực tế tại doanh nghiệp. Đặc biệt, Cuộc thi Tài năng trẻ logistics Việt Nam do mạng lưới chủ trì tổ chức hàng năm đã trở thành sự kiện được sinh viên các trường quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về ngành học này.
Song hoạt động của Mạng lưới Đào tạo logistics Việt Nam cũng có một số điểm bất cập, trong đó bất cập lớn nhất là Mạng lưới thiếu tư cách pháp nhân, không có bộ máy, nhân sự để có thể phối hợp các cơ sở đào tạo với nhau và liên kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp là người sử dụng nhân lực.
Để khắc phục những bất cập trên, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động phát triển nhân lực logistics nói chung và đào tạo logistics nói riêng, ngày 30/4/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam.
Đây là một bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được nêu tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: Phát huy vai trò của các hiệp hội trong lĩnh vực logistics nhằm xác định tầm nhìn, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hoạt động kinh doanh logistics, phát triển nhân lực ngành logistics.
Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có mong muốn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhân lực logistics. Như vậy, hội viên của hiệp hội có thể bao gồm các trường đại học, trường cao đẳng, viện, trung tâm đào tạo, doanh nghiệp logistics, các giảng viên, doanh nhân, chuyên gia trong lĩnh vực logistics.
Theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010, trong vòng 90 ngày sau khi có quyết định thành lập, Ban Vận động thành lập hiệp hội phải tổ chức đại hội. Tại đại hội, các đại biểu là hội viên hiệp hội sẽ thảo luận và thông qua điều lệ, chương trình hoạt động của hiệp hội, đồng thời bầu ban chấp hành, ban kiểm tra và các nhân sự chủ chốt lãnh đạo hiệp hội trong nhiệm kỳ đầu tiên.
"Hy vọng cùng với các hiệp hội khác trong lĩnh vực logistics như Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam... Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam sẽ cùng chung tay đóng góp để thực hiện mục tiêu đưa ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, vững chắc hơn nữa trong giai đoạn tới" - ông Trần Thanh Hải chia sẻ.