Các nước tiên tiến đã đạt được tăng trưởng và phát triển nhờ vào quá trình công nghiệp hoá thời kỳ đầu. Các nước công nghiệp mới trong vài thập kỷ gần đây cũng đi theo con đường tương tự, đạt được tăng trưởng và phát triển chưa từng có thông qua công nghiệp hoá dựa vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, những thay đổi về công nghệ ngày nay đặt ra câu hỏi liệu mô hình phát triển công nghiệp truyền thống đã từng mang lại thành công trong quá khứ có còn khả năng phát huy hiệu quả trong tương lai. Sản xuất toàn cầu hiện nay đang trải qua những biến động chưa từng có nhờ khả năng ứng dụng kết hợp đồng thời các công nghệ mới vào sản xuất như in 3D, trí thông minh nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), Internet vạn vật (IoT), và robot thế hệ mới,… Các công nghệ mới đang góp phần hình thành nên các mô hình kinh doanh mới và hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt và vì người tiêu dùng. Trong tương lai, lợi thế cạnh tranh quốc gia sẽ phụ thuộc và khả năng mà quốc gia đó có thể tạo ra các yếu tố, năng lực, và thể chế cần thiết để tận dụng cơ hội từ những thay đổi công nghệ này cũng như tạo thuận lợi cho sự chuyển dịch cơ cấu phù hợp với mô hình công nghệ mới.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 |
Trước những thay đổi và thách thức to lớn của nền sản xuất toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã khởi xướng Sáng kiến về “Định hình sản xuất tương lai” từ cuối năm 2015 nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi trên phạm vi toàn cầu, đa dạng và năng động để các nhà lãnh đạo trên thế giới hiểu được sự chuyển biến của hệ thống sản xuất, phát triển giá trị mới và độc đáo cho tổ chức của mình và định hướng việc ứng dụng công nghệ mới, hướng tới xây dựng hệ thống sản xuất sáng tạo hơn, bền vững hơn, có tính bao trùm hơn, và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Sáng kiến đã thu hút được sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ các quốc gia, các tập đoàn sản xuất, các trường đại học và các nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới.
Sau hơn 01 năm chuẩn bị và thảo luận giữa các bên liên quan, WEF và các đối tác đã hoàn thành một loạt các nghiên cứu chuyên sâu về tương lai sản xuất toàn cầu, và phát triển thêm các dự án mới trong khuôn khổ Sáng kiến này, đó là các dự án Tương lai lực lượng lao động sản xuất, Tương lai sản xuất ASEAN, Sự sẵn sàng cho tương lai sản xuất, Công nghệ và đổi mới cho tương lai sản xuất,… Một trong những kết quả nổi trội của Sáng kiến là Báo cáo về Sự sẵn sàng cho Tương lai sản xuất 2018 và Hồ sơ quốc gia về sự sẵn sàng cho tương lai sản xuất công bố vào cuối năm 2017.
Báo cáo được xây dựng dựa trên khung phân tích phát triển bởi dự án Sự sẵn sàng cho tương lai sản xuất. Dự án đã xây dựng công cụ chẩn đoán mới, khung chuẩn đối sánh, và bộ dữ liệu nhằm tăng cường nhận thức về các đòn bẩy chính và các yếu tố cần thiết để chuyển đổi hệ thống sản xuất, giúp cho các nhà lãnh đạo đánh giá đượcmức độ sẵn sàng của mỗi quốc gia cũng như định vị được quốc gia của mình trong nền sản xuất toàn cầu, để từ đó định hình và tìm kiếm cơ hội phù hợp từ những thay đổi của sản xuất, xúc tiến Đối thoại công - tư, và lồng ghép những thay đổi này vào các chiến lược công nghiệp mới. Năm 2018, dự án sẽ hoàn thiện bộ công cụ chẩn đoán, bổ sung khung phân tích về sự chuyển đổi để giúp các chính phủ thiết kế các chiến lược công nghiệp mới trên cơ sở phối hợp với khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và các học giả trên toàn cầu.
Tương lai sản xuất ASEAN
Tương lai sản xuất ở ASEAN là một trong số các dự án nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến Định hình sản xuất tương lai. Trong vài thập kỷ gần đây, sản xuất đã trở thành một phần quan trọng trong quá trình phát triển ở các nước ASEAN, đưa ASEAN trở thành một trong những trung tâm sản xuất năng động nhất thế giới, tạo nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho lực lượng lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, và nuôi dưỡng hình thành hệ sinh thái của các nhà cung cấp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Thị trường tiêu dùng của các nước ASEAN cũng đã tăng trưởng nhanh chóng, biến ASEAN thành một vị trí năng động đối với cả sản xuất và tiêu dùng.
Tuy nhiên, mô hình phát triển sản xuất truyền thống và dựa vào xuất khẩu mà các nước ASEAN vẫn theo đuổi đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặc dù ở các mức độ phát triển công nghiệp khác nhau, tất cả các nước trong khu vực ASEAN đều phải đối mặt với một con đường dài để tiếp cận với năng suất biên ở quy mô toàn cầu. Các báo cáo của WEF đã xác định 7 thách thức đối với ASEAN trong thời gian tới, đó là: (i) tính ổn định địa chính trị và các mối quan hệ khu vực, (ii) năng lực quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và SMEs, (iii) khả năng thích ứng mô hình kinh doanh mới, (iv) thay đổi nhân khẩu học, (v) tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững, (vi) kinh tế số khu vực, và (vii) hội nhập kinh tế. Báo cáo Sự sẵn sàng cho tương lai sản xuất 2018 cho thấy các nước ASEAN đang ở những vị thế khác nhau, điều kiện khác nhau trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Là một trung tâm sản xuất của thế giới, để duy trì được vị thế này trong tương lai, lãnh đạo các nướcASEAN cần phải tìm ra hướng đi mới cho nền sản xuất của khu vực. Dự án Tương lai sản xuất ASEAN cung cấp một nền tảng cho các bên liên quan trong khu vực khám phá cơ hội và thách thức, đồng thời như một chất xúc tác để tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong khu vực. Mục tiêu của dự án là:
• Tạo diễn đàn cho các nhà lãnh đạo khu vực gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực hợp tác công-tư, nâng cấp các hệ thống sản xuất dựa trên những lợi thế về công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
• Sử dụng các kết quả của Dự án Sự sẵn sàng cho tương lai sản xuất để hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của mỗi quốc gia và xác định cơ hội hợp tác khu vực;
• Phân tích các xu hướng chính ảnh hưởng đến sản xuất trong khu vực, đánh giá khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia trong sản xuất và xác định các công cụ đòn bẩy nhằm cải thiện sự sẵn sàng của ASEAN cho tương lai sản xuất của khu vực;
• Xác định những ưu tiên và tạo điều kiện cho các nỗ lực chính sách, học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới, phát triển kỹ năng và phát triển bền vững;
• Xác định các ưu tiên cho ASEAN nói chung và từng quốc gia thành viên nói riêng, phổ biến Sáng kiến Định hình tương lai sản xuất trong khu vực để giành thế chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.