Lắp ráp ôtô tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam - hình mẫu hợp tác thành công giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản |
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là mô hình hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Được khởi xướng từ tháng 4/2003, trải qua hơn 14 năm, 6 giai đoạn của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã được thực hiện và mang lại kết quả tích cực.
Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa có chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản. Thông qua hội nghị, các thỏa thuận hợp tác về đầu tư với giá trị lên tới 22 tỷ USD được ký kết cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả này là sự nỗ lực của hai bên trong việc thực hiện các cam kết của Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản.
Thống kế cho thấy, Nhật Bản đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2/122 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới 46 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, đầu tư của doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Nhật Bản những năm gần đây cũng có xu hướng tăng mạnh, trong đó, không ít DN Việt Nam đã gặt hái được thành công tại thị trường Nhật Bản, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, không chỉ thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư mà còn góp phần duy trì, phát triển mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia. |
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, bên cạnh lĩnh vực đầu tư, quan hệ thương mại Việt Nam- Nhật Bản thời gian gần đây cũng gia tăng mạnh mẽ. Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh phụ kiện sản xuất từ Nhật Bản, ngược lại có không ít DN Việt Nam bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Nhật Bản.
Đánh giá về kết quả thực hiện sáng kiến chung, phía Nhật Bản cho rằng: Thông qua các giai đoạn thực hiện, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Rất nhiều vấn đề trước đây được đánh giá là rào cản trong thu hút đầu tư tại Việt Nam như cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính phức tạp, tiếp cận điện năng, thủ tục hải quan, nay đã dần được giải quyết. Không chỉ nhà đầu tư Nhật Bản được hưởng lợi từ Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản, mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng được hưởng lợi thông qua những cam kết cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ Việt Nam.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, tại cuộc họp, phía Nhật Bản cũng cho rằng, lao động và tiền lương vẫn là hai vấn đề mà các DN Nhật Bản đang quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, việc tính tiền lương tối thiểu và định nghĩa lương tối thiểu không rõ ràng cho người lao động. Cùng với đó là vấn đề tranh chấp lao động, hay việc người lao động thường xuyên tự ý nghỉ việc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Để giải quyết những vấn đề này, ông Nagai Katsuro cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, nhằm thu hút các dự án từ các DN Nhật Bản.