Sản xuất theo hướng tái tạo và tái sinh
Tháng 12/2023, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (gọi tắt là Nestlé Việt Nam) được bình chọn là Doanh nghiệp Bền vững nhất trong lĩnh vực sản xuất. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nestlé Việt Nam được ghi nhận là Doanh nghiệp bền vững nhất trong lĩnh vực sản xuất, và là năm thứ 5 nằm trong Top 3 Doanh nghiệp Bền vững nhất.
Các cán bộ công nhân viên của Nestlé luôn tuân thủ quy trình làm việc nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động |
Nói về thành công trên, ông Binu Jacob, Tổng giám Nestlé Việt Nam chia sẻ: Từ năm 2020 chiến lược phát triển bền vững của Nestlé được xác định không chỉ dừng ở mục tiêu và hành động "bền vững ” mà phải hướng tới cách tiếp cận toàn diện hướng đến "tái tạo" và “tái sinh” cho hệ sinh thái tự nhiên (Regeneration).
Mục tiêu của nông nghiệp tái sinh là hướng đến giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học, giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2.
Tháng 6/2023, công ty hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy và chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi số, và hợp tác đa bên.
Cũng trong năm 2023, công ty khởi động dự án "Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp" tại Việt Nam, nhằm trồng hơn 2,3 triệu cây góp phần giảm hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2027).
Trong hơn một thập kỷ qua, với Nescafé Plan - một chương trình phát triển bền vững, các thực hành nông nghiệp tái sinh đang được công ty chia sẻ đến người nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên chủ yếu kết hợp đồng thời 5 giải pháp: Trồng xen canh hợp lý; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; tiết kiệm nước; đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng đất trồng.
Tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu nhờ chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã mang lại các thay đổi tích cực cho hoạt động của Nestlé. Đơn cử, doanh nghiệp đã giảm được 60% thời gian ngừng sản xuất, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhờ việc tối ưu hóa sử dụng cảm biến thông minh và dữ liệu số hóa; tiết kiệm được 50% lượng giấy sử dụng trong các nhà máy nhờ tăng cường số hóa các quy trình; và cuối cùng là giảm 20% chi phí bảo trì do áp dụng cảm biến dự đoán và nhờ vào đội ngũ kỹ thuật viên cũng như ban điều hành có kỹ năng cao.
Công ty đã tiết kiệm được 50% lượng giấy sử dụng trong các nhà máy nhờ tăng cường số hóa các quy trình |
Ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen tiết lộ, phương pháp tiếp cận của Nestlé đối với vấn đề chuyển đổi số trong sản xuất tại Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu là tìm kiếm trong xu hướng phát triển công nghệ bên ngoài những cơ hội có ý nghĩa mà Nestlé hoàn toàn hiểu rõ cũng như giúp Nestlé có thể tiết kiệm hoặc có được cơ hội tăng trưởng. “Nhờ chuyển đổi số, Nestlé đã đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn /năm", ông Urs Kloeti cho biết.
Thông qua chuyển đổi số, cách thức làm việc của nhân viên đang thay đổi và các yêu cầu đối với họ cũng tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc Nestlé đối mặt với thách thức là làm sao đảm bảo mọi người trong công ty đều có khả năng thích ứng với sự thay đổi. “Do vậy, trách nhiệm của chúng tôi chính là đảm bảo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên thông qua việc không ngừng đào tạo và giúp họ có cơ hội phát triển", ông Urs Kloeti cho biết.
Để tận dụng dữ liệu tốt nhất với sự hỗ trợ của các công cụ phân tích dữ liệu, tối ưu hóa các dữ liệu liên kết để có thể đạt được nhiều thành tựu hơn trong lĩnh vực phát triển bền vững. Trong hoạt động, sẽ ưu tiên việc cải tiến nhằm giảm mức năng lượng và nước tiêu thụ và về lâu dài, sẽ tiếp tục sử dụng số hóa như là một công cụ trong hành trình đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Triển khai sáng kiến bao bì bền vững
Từ tháng 5/2021, Nestlé Việt Nam đã chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy đạt chứng chỉ bảo vệ rừng bền vững (FSC) đối với toàn bộ sản phẩm uống liền.
Hộp sữa có nắp sản xuất từ 66% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật |
Nước tương Maggi bỏ màng co trên nắp chai và chuyển sang nhựa sáng màu thay cho nhựa tối màu, giúp việc tái chế dễ dàng hơn.
Hộp sữa NAN có muỗng và nắp sản xuất từ 66% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Viên nén cà phê giảm bớt trọng lượng màng bọc. Còn cà phê hòa tan đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp, giúp việc tái chế sau sử dụng dễ dàng hơn.
Đầu năm 2021, La Vie, một thành viên của tập đoàn Nestlé tại thị trường Việt Nam, ra mắt sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai làm từ 50% nhựa tái sinh, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Doanh nghiệp cũng sử dụng các vật liệu bao bì thay thế để tạo thuận lợi cho việc tái chế.
Hiện các sáng kiến cải tiến bao bì giúp Nestlé Việt Nam giảm đến 2.000 tấn nhựa mỗi năm. Đến nay, gần 94% bao bì sản phẩm được thiết kế để có thể tái chế.
Tuy nhiên, làm cách nào để quản lý rác thải sau tiêu dùng là vấn đề chung của xã hội. Chính vì thế, Nestlé Việt Nam hướng đến tương lai không rác thải thông qua hoạt động đổi mới bao bì, cải tiến danh mục sản phẩm và hỗ trợ phát triển hạ tầng hoạt động tái chế. Mục tiêu đặt ra: không có sản phẩm bao bì nào của Nestlé trở thành chất thải chôn lấp hay ra đại dương. Nỗ lực của doanh nghiệp thực hiện theo bốn nhóm hành động: giảm thiểu, tái thiết kế, tái chế và thay đổi hành vi.
Do đó, tại Việt Nam, Nestlé đang hợp tác với nhiều đơn vị trong việc thu gom, phân loại và tái chế bao bì qua sử dụng.
Cụ thể, Nestlé tại Việt Nam hợp tác cùng nhà sản xuất để thu gom các vỏ hộp sữa đã dùng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thu gom và tái chế chai nhựa. Tập đoàn cũng là thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Tại 1.500 trường học trên toàn quốc, Nestlé Việt Nam khuyến khích trẻ em thu gom vỏ hộp sữa đã sử dụng để tái chế thành dụng cụ thể thao như cầu môn, trụ bóng rổ và bàn ghế sử dụng trong trường học lẫn cộng đồng.
Điều này không chỉ giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường mà còn giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc thu gom, phân loại, tái chế rác thải.
Song song với đó, doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Cùng với hành trình xây dựng nhóm Đại sứ Xanh, Nestlé Việt Nam đã triển khai hàng loạt chương trình như "Nói không với nhựa dùng một lần", "Thu gom và phân loại bao bì đã qua sử dụng"...
Với tất cả những nỗ lực đó, Nestlé đã nhanh chóng trở thành một tấm gương sáng về sự chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thực phẩm.