Linh hoạt sản xuất
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến: Sản xuất thông minh - thúc đẩy phát triển DN Việt, diễn ra mới đây, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết, sản xuất thông minh có 3 đặc thù chính: Là quá trình tích hợp thực (quá trình sản xuất thực tế) với ảo (dựa trên nền tảng công nghệ thông tin) nhằm mục tiêu tối ưu hóa quá trình sản xuất; là việc tích hợp quá trình sản xuất và kinh doanh với nhau. Mục đích nhằm rút ngắn quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. Trên thực tế, trước đây có DN chưa kết hợp hài hòa giữa quá trình sản xuất với kinh doanh thì nay hệ thống sản xuất thông minh sẽ giúp DN làm tốt vấn đề này; là giải pháp để DN đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường theo thời gian thực, rút ngắn thời gian thu hồi vốn, tạo nên tính linh hoạt trong quá trình sản xuất.
Sản xuất thông minh giúp tiết kiệm chi phí |
“Việc áp dụng sản xuất thông minh giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí hậu cần, quản lý chất lượng, logistics từ 10 - 20%. Chi phí hàng tồn kho khi áp dụng sản xuất thông minh cũng sẽ giảm từ 30 - 40%” - Tiến sĩ Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.
Từ góc độ DN, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà - dẫn chứng, trước đây, Sơn Hà thường sản xuất theo kế hoạch tháng hoặc theo nhu cầu của đơn vị đại lý đặt trước đó. Nhưng hiện nay chúng tôi thích ứng trên nền tảng áp dụng hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) - khi có bất kì đơn đặt hàng từ một đại lý hoặc chi nhánh nào, có thể nhanh chóng đưa thông tin ngay đến đơn vị sản xuất, đơn vị vật tư, tài chính… liên quan đến loại hàng hóa đó.Nhờ vậy, giảm thiểu tối đa thời gian logistics, thời gian “chết”, thời gian vận chuyển hàng tới tay người tiêu dùng và thời gian tồn kho; đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh chóng, chính xác nhất.
Doanh nghiệp cần chủ động
Ông Hoàng Mạnh Tân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN sản xuất không chỉ cạnh tranh trong một sân chơi nhỏ nội địa, mà phải thích ứng được trên sân chơi toàn cầu; đặc biệt, sân chơi trong các hệ thống Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và đang ký kết. Các DN nước ngoài hoàn toàn có thể vào Việt Nam đầu tư, bình đẳng với DN Việt cả về thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, DN không ai có thể đứng ngoài sản xuất thông minh. Từ nhận thức này, Sơn Hà đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sản xuất, bằng việc đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ mới; đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin về quản trị, sản xuất kinh doanh, phân phối… được xử lý trên nền tảng công nghệ thông tin nhanh nhất.
“Sản xuất thông minh đáp ứng nhanh quản lý chất lượng sản phẩm, hỏng tại đâu, xử lý ngay chỗ đó. Chúng ta không thể kiểm soát bằng con người, bằng mắt thường mọi khâu, mọi chỗ mà phải quản lý trên nền tảng thông minh” - ông Hoàng Mạnh Tân khẳng định.
Tiến sĩ Hà Minh Hiệp cho biết thêm, yếu tố nền tảng đầu tiên cần chú trọng khi áp dụng sản xuất thông minh nằm ở con người. Trong đó, quan trọng nhất là tầm nhìn, kiến thức, khả năng nhận thức của lãnh đạo DN. Yếu tố thứ hai là hệ thống quản lý được áp dụng cho DN. Đối với DN Việt Nam, vấn đề cấp thiết cần triển khai là tiến hành đánh giá xem trình độ sản xuất của DN đang ở đâu, định hướng phát triển thế nào…
Trong thời đại công nghệ, nếu DN không xác định hướng đầu tư thông minh sẽ khó cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu. Do đó, DN cần có lộ trình, kế hoạch để cải tiến, thúc đẩy sản xuất thông minh trong nhà máy. |